Hiện nay, tình trạng nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng tin, chia sẻ hình ảnh giật gân, sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn giao thông… nhằm "câu view", "câu like" diễn ra khá phổ biến.
Hiện nay, tình trạng nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng tin, chia sẻ hình ảnh giật gân, sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn giao thông… nhằm “câu view”, “câu like” diễn ra khá phổ biến.
Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn lên mạng xã hội sẽ bị phạt nặng. Trong ảnh: Một số trang Facebook đăng tin giả về dịch bệnh bị công an xử phạt. Nguồn internet |
Từ ngày 15-4, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (gọi tắt là Nghị định 15) chính thức có hiệu lực thì các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn lên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền tới 70 triệu đồng.
* “Câu like”, “câu view” bằng tin giật gân
Để thu hút lượng người xem, lượt thích trên trang cá nhân, không ít người, nhất là giới trẻ đưa những thông tin giật gân, hình ảnh miêu tả chi tiết các vụ tai nạn giao thông, vụ án mạng, thậm chí nhiều người còn bịa ra tin tức, tạo hình ảnh giả…
Chị Nguyễn Phương Thanh (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hầu như ngày nào “lướt” các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) cũng nhìn thấy nhiều hình ảnh ghê rợn. Nhiều người chụp cả ảnh hiện trường vụ án, vụ tai nạn giao thông chết người, trong đó chụp cận cảnh nạn nhân với nhiều vết thương trông rất kinh khủng, xem xong bị ám ảnh luôn”.
Cần am hiểu quy định pháp luật khi sử dụng mạng xã hội Theo luật sư Nguyễn Quang Khiêm, Hội Luật gia tỉnh thì mạng xã hội giống như “con dao hai lưỡi”, nếu người sử dụng mạng không biết sử dụng một cách tích cực, an toàn thì rất dễ lãnh hậu quả mà đôi khi mình không thể lường trước được. Do vậy, người dùng mạng cũng cần trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để biết chắt lọc thông tin, khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng phải hết sức cẩn trọng để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc. |
Cụ thể như vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra chiều 17-8-2019 giữa xe khách và xe ô tô đầu kéo trên tuyến tránh quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) khiến 5 người chết và 6 người bị thương. Ngay khi vụ tai nạn xảy ra thì hình ảnh về vụ tai nạn chụp cận cảnh người bị thương được đăng và chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội gây bàng hoàng cho người xem. Hay như vụ án người anh thảm sát gia đình người em (ở huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) xảy ra tháng 8-2019, nhiều người không khỏi “rùng mình” khi xem các tường thuật chi tiết hành vi phạm tội trên Facebook.
Thậm chí một số trang Facebook cá nhân còn tung thông tin giả chỉ vì mục đích “câu like” nhưng đã gây hoang mang dư luận. Cuối tháng 8-2019, một số trang Facebook đăng thông tin có một vụ án nghiêm trọng xảy ra tại phường Tam Hiệp
(TP.Biên Hòa), nạn nhân bị chặt đứt đầu, kèm theo nhiều hình ảnh hiện trường toàn máu me và có cả công an đang xác minh vụ việc. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ án này.
Ngoài ra, cảnh xô xát, đánh ghen để lộ hình ảnh phản cảm… cũng được nhiều người vô tư chia sẻ trên mạng. Thậm chí có trường hợp còn dựng hiện trường giả để thu hút lượt xem, như trường hợp một thanh niên ở tỉnh Gia Lai nằm vật xuống đường, tạo hiện trường tai nạn giả, nhờ người chụp ảnh rồi đưa lên Facebook chỉ vì mục đích “câu like”.
Tới đây, khi Nghị định số 15 chính thức có hiệu lực, các hành vi “câu like”, “câu view” nêu trên sẽ bị xử phạt nghiêm.
* Coi chừng bị phạt nặng
Theo Chánh thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Nguyễn Thanh Hương, hành vi tung tin sai sự thật là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm. Việc tung tin sai sự thật dù cá nhân tung tin không có chủ ý, đơn thuần chỉ nhằm mục đích “câu view”, “câu like” nhưng có rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra mà người tung tin không thể lường trước được. Nếu hành vi đó gây ra thiệt hại cho xã hội, cho người khác, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định 15, các hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị áp dụng mức phạt khá cao, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Riêng hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn lên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền tới 70 triệu đồng. Cụ thể, cá nhân vi phạm phải chịu mức phạt 5-10 triệu đồng, với tổ chức vi phạm mức phạt sẽ là 10-20 triệu đồng (theo Điểm c, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15).
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn sẽ bị phạt tiền 50-70 triệu đồng (theo Điểm c, Khoản 3, Điều 100 Nghị định 15). Với hành vi này, mức phạt theo quy định hiện hành là 20-30 triệu đồng. Ngoài mức phạt nêu trên, bên vi phạm buộc phải gỡ bỏ những thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.
Gia An