Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo phòng dịch bệnh khi kiểm tra nồng độ cồn

11:02, 10/02/2020

Hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn  đối với người tham gia giao thông vì có thể lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

Hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn  đối với người tham gia giao thông vì có thể lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn với người lái xe máy bằng máy đo nồng độ cồn hình phễu trước khi có dịch nCoV. Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn với người lái xe máy bằng máy đo nồng độ cồn hình phễu trước khi có dịch nCoV. Ảnh: Thanh Hải

* Có tâm lý lo lắng

Anh Hà Ngọc Vinh (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, những thông tin về dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp những ngày gần đây khiến bản thân khá lo lắng. Trong đó, điều làm anh băn khoăn nhất là việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Dù cảnh sát giao thông cho biết, mỗi trường hợp được kiểm tra đều dùng một ống thổi riêng, nhưng khi thổi luồng khí vào ống và tác động lên máy như vậy vấn đề vệ sinh máy liệu có đảm bảo.

 

Tạm dừng sử dụng phễu thổi khi đo nồng độ cồn

Ngày 7-2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã có thông báo về việc tạm thời không sử dụng phễu thổi để đo định tính khi kiểm tra nồng độ cồn. Thông báo này của Cục Cảnh sát giao thông không ảnh hưởng đến việc đo nồng độ cồn vào thời điểm hiện tại. Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ vẫn sử dụng máy đo có ống thổi riêng cho từng trường hợp để đo định lượng, bảo đảm tiệt trùng cho thiết bị đo, ống thổi.

 

Theo anh Vinh, bản thân rất ủng hộ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khi xử lý nghiêm việc sử dụng bia, rượu đối với người lái xe. Tuy nhiên, Nghị định 100 vẫn còn áp dụng lâu dài nên nếu công an ngưng một thời gian để phòng dịch nCoV sẽ giúp người tham gia giao thông yên tâm hơn.

“Nếu không uống bia, rượu tôi có quyền từ chối việc kiểm tra hoặc yêu cầu lực lượng chức năng dùng hình thức khác như lấy mẫu máu xét nghiệm được hay không?” - anh Vinh bày tỏ băn khoăn.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội về giao thông tại Đồng Nai, việc kiểm tra đo nồng độ cồn giữa lúc dịch bệnh nCoV diễn ra phức tạp, khó lường cũng nhận được nhiều luồng ý kiến quan tâm của nhiều người. Không ít trường hợp cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp xúc hằng ngày rất nhiều người đến từ các nơi khác nhau nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra.

Ông Lê Văn Trung (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) bộc bạch, dù thay đổi ống thổi nhưng nếu người sau cầm máy để thổi vô tình chạm phải nước bọt của người trước đã kiểm tra nồng độ cồn rồi sau đó lỡ tay chạm lên mặt cũng có nguy cơ bị “dính” nCoV. Chưa kể, hơi thở của người được kiểm tra có thể tồn tại bên trong các bộ phận của thiết bị đo nồng độ cồn. Nếu cảnh sát giao thông đã thay ống thổi, nhưng người sau thổi vào thì sẽ không đảm bảo an toàn.

“Tôi có kiến nghị là mỗi lần tài xế cầm máy để đo thì ngành chức năng cũng nên xịt khử trùng máy trước. Việc lực lượng công an quyết liệt trong vấn đề xử phạt người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua. Tuy nhiên, trong tình hình bệnh dịch đang nguy cấp như bây giờ, việc phòng dịch mới là điều đáng quan tâm nhất” - ông Trung nói.

* Kiểm tra nồng độ cồn theo đúng quy định

Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, trước nhiều thông tin băn khoăn, lo ngại, cơ quan này đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới để tham vấn. Qua đó, ông Hùng cho hay khi làm nhiệm vụ công an trang bị nhiều ống thổi để mỗi người dân khi được yêu cầu thổi thì thổi ống mới (mỗi người một ống khác nhau) nên không lo lây nhiễm.

“Để tránh lây nhiễm bệnh nCoV, trước mỗi ca làm việc lực lượng chức năng sẽ phải sát trùng máy, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng dịch. Trong quá trình thực thi công vụ, cảnh sát giao thông cần được trang bị khẩu trang, găng tay nhằm đảm bảo an toàn cho cả người tiến hành kiểm tra và người được kiểm tra nồng độ cồn” - ông Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, việc kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành nhiệm vụ. Mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong phải bỏ vào túi ny-lông kín để xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, hiện nay có 2 hình thức kiểm tra nồng độ cồn gồm định tính (dùng phễu thổi) và định lượng (dùng ống thổi). Với cả hai hình thức này, sau khi thổi, máy sẽ báo mức nồng độ cồn trong hơi thở. Từ đó, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào kết quả tại hiện trường để lập biên bản vi phạm hành chính.

Để phòng ngừa dịch bệnh, cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ sẽ đeo khẩu trang y tế, dùng các biện pháp an toàn vệ sinh. Còn người tham gia giao thông ngay sau khi thổi xong, ngành chức năng sẽ dùng cồn sát khuẩn để vệ sinh máy rồi mới lắp ống mới cho người kiểm tra tiếp theo. Ống cũ được bỏ vào bao rác thải y tế và xử lý đúng quy định nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh nCoV khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều