Chỉ cần vào Goolge gõ từ khóa "mua bán tiền giả", không khó để tìm được vô số trang mạng xã hội chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả một cách công khai, với những lời quảng cáo hấp dẫn như: đổi 1 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu đồng tiền giả, đổi 5 triệu đồng tiền thật lấy 60 triệu đồng tiền giả…
Chỉ cần vào Goolge gõ từ khóa “mua bán tiền giả”, không khó để tìm được vô số trang mạng xã hội chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả một cách công khai, với những lời quảng cáo hấp dẫn như: đổi 1 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu đồng tiền giả, đổi 5 triệu đồng tiền thật lấy 60 triệu đồng tiền giả…
Rao bán tiền giả công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh: K.Liễu |
Theo một số chủ tài khoản Facebook rao bán tiền giả, khách hàng có nhu cầu mua bao nhiêu tiền giả cũng có thể được đáp ứng. Mức đổi tiền thật lấy tiền giả theo tỷ lệ chênh lệch gấp 10 lần, nghĩa là 1 triệu đồng tiền thật đổi được 10 triệu đồng tiền giả. Khi số tiền thật càng lớn thì tỷ lệ này sẽ tăng dần lên.
Rao bán tiền giả lấy tiền thật
Trên trang Facebook “m.p” cam kết bán tiền giả giống thật đến 98% và có thể giao hàng tận nơi cho khách hàng trên toàn quốc trong thời gian từ 3-5 giờ, đổi 1 triệu đồng tiền thật cho 15 triệu đồng tiền giả. Còn trang Facebook “Tiền giả uy tín giống thật 100%” thì quảng cáo bán tiền chất liệu polymer, có mùi, kích thước giống y như tiền thật, mắt thường không thể phát hiện ra được, cam kết xài được.
Hầu hết người rao bán tiền giả trên các trang mạng xã hội đều hướng dẫn khách hàng mua tiền giả nên sử dụng tiền tại một số địa điểm để không bị phát hiện. Một số người rao bán tiền giả còn đưa cả số điện thoại lên trang Facebook cá nhân hoặc yêu cầu người cần mua cung cấp thông tin sau đó các đối tượng này sẽ liên hệ lại qua email, Zalo, Facebook.
Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với việc quảng cáo này bởi thực tế đã có nhiều trường hợp người mua tiền giả bị lừa mất tiền thật và theo quy định hiện hành việc mua bán tiền giả là phạm pháp, có thể bị xử lý hình sự.
* Coi chừng tiền mất, tội mang
Theo cảnh báo từ cơ quan chức năng, nhiều đối tượng rao bán tiền giả nhưng thực ra là đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi của một số người. Khi người mua đồng ý giao dịch, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc thanh toán thông qua thẻ cào điện thoại, các đối tượng sẽ cắt liên lạc, không chuyển tiền giả như đã hứa hẹn.
Rao bán tiền giả công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh: K.Liễu |
Điển hình như vào tháng 4-2017, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an bắt Bùi Văn Hải (ngụ TP.Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra của công an, từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017, Hải lập nhiều tài khoản Facebook lừa bán tiền giả với số lượng lớn chiếm đoạt tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng của 11 bị hại. Trong đó có trường hợp của bà N.T.H. (trú ở quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) đã bị Hải lừa chuyển hơn 4,2 tỷ đồng để mua 18 tỷ đồng tiền giả.
Trao đổi về việc mua, bán sử dụng tiền giả, ông Lê Trung Kiên, Trưởng phòng Tiền tệ, kho quỹ và hành chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đều phạm tội hình sự và có thể sẽ chịu mức hình phạt nghiêm khắc.
Cụ thể, Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tù từ 5-12 năm; tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này thì khi bị phát hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 1-3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ông Lê Trung Kiên khuyến cáo khi phát hiện tiền giả người dân phải đem nộp cho các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý tiền tệ như: kho bạc, các ngân hàng thương mại hoặc cơ quan công an gần nhất để xử lý theo quy định. Khi người dân đem nộp tiền giả, các cơ quan chức năng phải tiến hành lập biên bản và thu giữ; kể cả khi nghi là tiền giả thì ngân hàng cũng phải giữ lại để giám định. Trường hợp người dân đem tiền đến giao dịch tại các tổ chức tín dụng, nếu phát hiện có tiền giả thì nơi đây sẽ lập biên bản tịch thu.
“Thông tư 28/2013/TT-NHNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả nêu rõ: Khi phát hiện tiền giả, ngân hàng thực hiện tịch thu. Nếu tiền giả có số lượng từ 5 tờ hoặc 5 miếng tiền kim loại trở lên trong một giao dịch thì ngân hàng sẽ tiến hành thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý” - ông Kiên nói.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng phòng Tiền tệ, kho quỹ và hành chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, việc phân biệt tiền giả và tiền thật không khó bởi tiền giả dù tinh vi đến mấy cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có yếu tố bảo an (hình bóng chìm, dây bảo hiểm, mực in lõm (nét in nổi), mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím)… Một số cách nhận biết đơn giản mà nhiều người thường làm là soi tờ tiền polymer dưới nguồn sáng, các hình bóng chìm trên tiền giả thường không tinh xảo, các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, ít sắc nét... |
Kim Liễu