Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định khá nghiêm ngặt về việc mua bán, sử dụng rượu, bia ở người chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể như cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định khá nghiêm ngặt về việc mua bán, sử dụng rượu, bia ở người chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể như cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...
Một đại lý bán bia ở TP.Biên Hòa không hề có bảng thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Ảnh: P.Liễu |
Đây là những quy định nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi. Dù luật đã quy định rõ nhưng đến nay, các quy định này rất khó thực hiện, ngay cả các cơ quan chức năng cũng rất khó để phát hiện và xử lý vi phạm.
* Trẻ em vẫn có thể mua được rượu, bia
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có quy định, các nhà hàng, quán ăn, cơ sở có bán rượu, bia phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi (nếu nghi ngờ phải kiểm tra chứng minh nhân dân). Tuy nhiên hiện nay, chưa có nhiều nơi làm được điều này. Việc mua rượu, bia rất dễ dàng, bất kể tuổi tác.
Bà N.T.L, chủ một quán ăn trên đường Phạm Văn Thuận (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tình hình kinh doanh rượu, bia ở cửa hàng giảm sút thấy rõ. Tết là dịp rượu, bia được tiêu thụ mạnh nhất nhưng năm nay thất thu tới 60-70%. Hễ có khách đến mua thì bà bán, vì thị trường rượu, bia đang ế ẩm.
“Bây giờ mùa dịch bệnh, người vào mua còn đeo khẩu trang kín mặt, không lẽ buộc khách bỏ khẩu trang, kính mát ra để nhìn mặt. Thậm chí ngay cả khi nhìn mặt cũng không dễ đoán đúng tuổi. Riêng việc yêu cầu khách xuất trình chứng minh nhân dân để kiểm tra tuổi là... dễ mất khách, chưa nói là không được quyền” - bà N.T.L. nói.
Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định, các cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ không được bán và phải nhắc nhở người chưa đủ 18 tuổi về việc uống rượu, bia. Tuy nhiên trên thực tế không dễ thực hiện được quy định này. Theo chủ một quán ăn trên đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa): “Khi khách đến ăn uống quán phải phục vụ, chẳng lẽ khách muốn uống hoặc đang uống rượu, bia lại đi hỏi tuổi và ngăn không cho họ uống, làm thế mất luôn khách”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại một số cửa hàng bán rượu, bia ở TP.Biên Hòa chưa thấy có nơi nào để bảng cấm, ngay cả trong những siêu thị lớn; còn các điểm bán nhỏ, lẻ như tiệm tạp hóa lại càng không... Do đó, thực tiễn lại cho thấy trẻ em cũng có thể đi mua rượu, bia một cách dễ dàng.
Ông N.Q.G. (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, mới đây ông vẫn nhờ con gái 8 tuổi đạp xe đến một siêu thị nhỏ ở gần nhà mua 1 thùng bia và nhân viên ở đây vẫn bán cho cháu.
* Khó phát hiện và không dễ xử lý
Trước thực trạng này, ông Trần Quang Khải, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Đồng Nai (QLTT) cho biết, trong thời gian qua, các đội QLTT vẫn đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa, trong đó có mặt hàng rượu, bia. Nhưng kiểm tra các cửa tiệm, nhà hàng kinh doanh bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi thì chưa.
Theo ông Khải, Điều 32 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định, các cơ sở kinh doanh không được bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi là đúng nhưng khó thực thi. Trong trường hợp cơ sở kinh doanh rượu, bia bị phát hiện hoặc bị tố cáo là có bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi thì ngành sẽ xử lý. Tuy nhiên, không dễ để lấy được chứng cứ làm cơ sở xử lý và ngành cũng không có đủ lực lượng để đi “canh chừng” các cơ sở kinh doanh rượu, bia này. Còn quy định trong trường hợp nghi ngờ, người bán yêu cầu người mua xuất trình chứng minh nhân dân là “không thực tế”, bởi chỉ có cơ quan công an mới có quyền yêu cầu người khác xuất trình giấy tờ tùy thân.
Để ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, Cục QLTT đang phối hợp với Công an tỉnh xây dựng quy chế hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Khải, hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền ý thức hạn chế uống rượu, bia. Cụ thể, trong mỗi gia đình, người lớn không uống rượu, bia để làm gương, không nhờ con cháu đi mua rượu, bia, xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho hay, hiện nay nhiều quốc gia đã có quy định kiểm soát chặt chẽ về độ tuổi mua và sử dụng rượu, bia; còn cấm cả quảng cáo rượu, bia trên internet và mạng xã hội để làm giảm mức độ tiếp cận của giới trẻ, thậm chí còn có hệ thống chặn lọc, kiểm soát người chưa đủ 18 tuổi truy cập, tìm kiếm và mua bán. Việt Nam chưa làm được điều này, mà ngay cả việc xử lý, xử phạt cũng rất khó trong điều kiện một bộ phận người dân còn chưa ý thức và tự ý thức được tác hại của rượu, bia đối với việc mua bán, sử dụng rượu, bia với người chưa đủ 18 tuổi.
Ngày 24-2-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó giao cho UBND các cấp có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. |
Phương Liễu