Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuối năm 'khổ sở' vì tiếng ồn

11:01, 09/01/2020

Càng gần ngày Tết, nhiều cửa hàng điện máy, shop thời trang, hàng quán "vác" loa thùng ra tận vỉa hè, mở âm thanh hết cỡ để gây sự chú ý của người đi đường. Thêm vào đó, không ít đám cưới, tiệc liên hoan tổ chức hát karaoke đến tận nửa đêm khiến nhiều người không khỏi mệt mỏi.

Càng gần ngày Tết, nhiều cửa hàng điện máy, shop thời trang, hàng quán “vác” loa thùng ra tận vỉa hè, mở âm thanh hết cỡ để gây sự chú ý của người đi đường. Thêm vào đó, không ít đám cưới, tiệc liên hoan tổ chức hát karaoke đến tận nửa đêm khiến nhiều người không khỏi mệt mỏi.

Một trung tâm mua sắm trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) mang loa thùng ra phía trước để phát chương trình quảng cáo, khuyến mãi
Một trung tâm mua sắm trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) mang loa thùng ra phía trước để phát chương trình quảng cáo, khuyến mãi. Ảnh: A. Nhiên

Theo nhiều bạn đọc, thực trạng này đã được phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng không được xử lý dứt điểm, dẫn đến việc vi phạm tiếng ồn diễn ra phổ biến, tràn lan.

* Khổ như bị... “tra tấn”

Cuối tuần qua, nhiều người dân ở KP.6, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) không được nghỉ ngơi yên tĩnh do bị “tra tấn”  bởi tiếng ồn phát ra từ một đám cưới và một tiệc liên hoan cuối năm. Trong khoảng từ 11 giờ trưa đến tận khuya, tiếng nhạc, tiếng loa thùng karaoke dập ầm ầm, tiếng người say vừa hát vừa gào thét tạo thành một âm thanh hỗn độn, đinh tai nhức óc nhưng không hộ dân nào dám góp ý hay phản ảnh với chủ nhà.

Nhà bà N.T.H. ở giữa khu vực đám cưới và tiệc liên hoan này nên bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bà bức xúc: “Cả tuần làm việc, cuối tuần chỉ muốn được nghỉ ngơi nhưng cũng không yên khi tiếng nhạc cứ dội ầm ầm vào tai. Không ai cấm hát hò, vui vẻ nhưng hát hò liên tục, mở âm thanh quá cỡ thì ai mà chịu nổi. Nói ra hàng xóm mếch lòng, nhưng quả thực rất khổ sở khi “kẹt” trong tình trạng bị “tra tấn” kiểu này”.

Thời gian qua, chuyện người người hát karaoke, nhà nhà hát karaoke đang trở nên phổ biến. Chỉ cần một chiếc loa kéo di động, micro và chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể hát mọi lúc, mọi nơi.

Không chỉ có tiếng ồn do hát karaoke, gần Tết nhiều shop quần áo, giày dép thời trang, cửa hàng điện máy... để gây chú ý với người qua lại, cũng đã đem loa thùng, mở âm thanh hết cỡ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân sống gần khu vực đó. 

Ông Trần Văn Đạt (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) nói: “Những ngày qua, một trung tâm mua sắm ở phường Tân Mai thường xuyên đưa dàn loa thùng ra ngoài, mở âm thanh rất lớn để tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng và quảng cáo khuyến mãi. Nhà tôi có mẹ già, cháu nhỏ cần yên tĩnh học hành, nghỉ ngơi nhưng cửa hàng này cứ ra rả đọc mặt hàng này giảm giá, mặt hàng kia khuyến mãi... nghe nhức hết cả đầu. Tôi đã từng phản ảnh qua đường dây nóng trực tuyến của UBND TP.Biên Hòa, nhưng tình hình không được cải thiện”.

* Nên giao UBND phường xử lý

Phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) là địa bàn có “phố nhậu” trên đường Võ Thị Sáu thường xuyên xảy ra tình trạng hàng quán gây ồn bởi các loa thùng di động. Một cán bộ ở UBND phường Thống Nhất cho hay, việc xử lý tiếng ồn từ các quán ăn, cà phê là rất khó. Khi tiếp nhận phản ảnh của người dân, lãnh đạo phường cử công an hoặc cán bộ văn hóa xuống nhắc nhở và yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi gây ồn, nhưng không có chức năng xử phạt. Điểm nào gây ồn bị nhắc nhở nhiều lần mà không chấn chỉnh, UBND phường sẽ đề nghị UBND thành phố phối hợp xử lý. Ngay cả việc lập đoàn phối hợp cũng không dễ xử lý bởi thời điểm người dân phản ảnh thì người đó, hộ đó, quán đó có gây ồn, nhưng sau khi cơ quan chức năng lập được đoàn xuống kiểm tra thì không còn gây ồn nữa.

Một điểm bán giày giảm giá trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa) đem loa thùng ra vỉa hè để rao hàng. Ảnh: A.Nhiên
Một điểm bán giày giảm giá trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa) đem loa thùng ra vỉa hè để rao hàng. Ảnh: A.Nhiên

Chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phạm Ngọc Sơn Thủy cho biết, loại hình karaoke gia đình, karaoke di động, hát trong đám cưới rất khó quản lý và khó cả trong xử lý bởi người gây tiếng ồn diễn ra tức thời, không thường xuyên, không cố định, không liên tục. Theo quy định phân công mới, việc xử phạt vi phạm về tiếng ồn thuộc trách nhiệm của thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường.

Trao đổi về vấn đề này,  Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Chu Tiến Dũng cho biết, gây tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quy định này chủ yếu áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Còn các hoạt động gây tiếng ồn từ hát karaoke hộ gia đình, hát karaoke từ các loa thùng di động trong đám tiệc hay các cửa hàng trong quảng cáo, khuyến mãi... thì Thanh tra Sở cũng chưa xử lý trường hợp nào. “Theo tôi, nên giao trách nhiệm xử lý cho chính quyền địa phương - là nơi sâu sát nhất với địa bàn” - ông Dũng nói.

Thực tế, dù pháp luật đã quy định giới hạn về mức độ tiếng ồn, giới hạn thời gian không được gây ồn trong khu dân cư cũng như đã có những chế tài cũng cụ thể, rõ ràng, nhưng tình trạng gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhiều người dân vẫn không được xử lý đúng mức. Đây là vấn đề các ngành chức năng cần quan tâm, nhất là các địa phương đang trong quá trình triển khai các giải pháp để xây dựng đô thị văn minh.

Theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, những hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây tiếng ồn vượt quá mức quy định; tùy theo mức độ gây ồn, nếu vượt quá quy chuẩn kỹ thuật từ 5 dBA sẽ bị phạt từ 1-5 triệu đồng và vượt quá 40 dBA sẽ bị phạt từ 140-160 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở vi phạm phải chịu các hình thức phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động từ 3-12 tháng và buộc khắc phục hậu quả.

An Nhiên

Tin xem nhiều