Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được ban hành và đưa vào thực thi được người dân kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong việc hạn chế các tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được ban hành và đưa vào thực thi được người dân kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong việc hạn chế các tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn. Điều người dân quan tâm là làm sao để luật đi vào thực tế, phát huy tính ưu việt trong đời sống, đặc biệt là quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ông Võ Thành Phong (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho rằng, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực mang lại lợi ích cho rất nhiều người, đặc biệt là về sức khỏe. Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được nhiều người đồng tình bởi việc cầm vô lăng khi có “chất men” trong người không chỉ là hiểm họa với bản thân người sử dụng mà còn đe dọa tới tính mạng và hạnh phúc của nhiều người khác.
Theo ông Phong, các mức xử phạt đối với việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều tăng cao. Với mức xử phạt này nếu được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm sẽ đủ sức răn đe, góp phần hạn chế tình trạng người say xỉn vẫn tham gia giao thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia rất sát với thực tế. Tuy nhiên khi vận dụng trong thực tiễn sẽ gặp nhiều thách thức vì thói quen sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam hiện có phần dễ dãi, tỷ lệ người sử dụng khá cao và các sản phẩm rượu, bia rất dễ tiếp cận. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân hiện nay chưa cao…
Việc thay đổi “văn hóa” sử dụng rượu, bia là rất cần thiết vì nhiều lẽ nhưng sẽ không dễ làm được trong một sớm một chiều bởi nó liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. “Để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai luật để giúp người tiêu dùng thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, thói quen tiêu cực trong nhậu nhẹt (ép uống rượu, bia) phù hợp với luật định” - ông Nguyễn Văn Lực (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) kiến nghị.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết chương trình “4 giảm” gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2019, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung có đề cập đến việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban MTTQ các cấp có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, lồng ghép việc thực hiện các quy định của luật vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đưa vào tiêu chí xét để công nhận gia đình văn hóa… Song song đó, cán bộ làm công tác mặt trận các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, các điểm kinh doanh rượu, bia chấp hành tốt các quy định của luật; tăng cường nắm chắc địa bàn khu dân cư, phản ảnh với các cơ quan chức năng khi phát hiện các vi phạm…
Ngoài đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của luật ngay từ thời gian đầu luật có hiệu lực để không còn tâm lý “chờ” thực hiện và “nhờn” luật.
Gia An