Trong những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bên cạnh việc quan tâm đến các mức xử phạt khá nặng của hành vi này, nhiều bạn đọc gửi đến Báo Đồng Nai những băn khoăn về việc dùng ống thổi đo nồng độ cồn liệu có đảm bảo vệ sinh.
Trong những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bên cạnh việc quan tâm đến các mức xử phạt khá nặng của hành vi này, nhiều bạn đọc gửi đến Báo Đồng Nai những băn khoăn về việc dùng ống thổi đo nồng độ cồn liệu có đảm bảo vệ sinh.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn một người lái xe ô tô trên quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa. Người được kiểm tra chỉ cần thổi hơi mạnh vào phễu mà không phải ngậm như các máy đo nồng độ cồn trước đây. Ảnh: Thanh Hải |
Nhiều người dân khi thấy cảnh sát giao thông thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn thường băn khoăn về ống thổi vì nghĩ phải ngậm chung ống với nhiều người. Bởi nếu dùng chung sẽ mất vệ sinh, có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường nước bọt… Tuy nhiên, tại Đồng Nai, lực lượng chức năng hiện đang dùng thiết bị đo nồng độ cồn thế hệ mới để kiểm tra, không cần phải ngậm ống thổi như trước đây.
* Lo mất vệ sinh khi dùng ống chung
Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đó là quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ngay khi những quy định này có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông đã đồng loạt ra quân thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài vấn đề bị phạt nặng thì việc ống thổi đo nồng độ cồn dùng chung hay riêng được nhiều người dân quan tâm.
Tối 12-1, anh Nguyễn Văn Toàn (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) điều khiển xe máy lưu thông trên quốc lộ 1. Khi đến khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa), anh Toàn được lực lượng chức năng mời vào để kiểm tra. Lúc này, tại vị trí làm việc có vài người cũng đang chờ kiểm tra. Khi đến lượt mình, anh Toàn vui vẻ chấp hành và kết quả anh không vi phạm.
Anh Toàn cho hay, chiếc máy đo nồng độ cồn cho kết quả rất nhanh. Sau khi người điều khiển phương tiện thổi mạnh hơi vào là máy đã báo thông tin. Nếu người đó có uống rượu, bia thì lập tức máy phát tiếng kêu. Tuy nhiên, điều khiến anh Toàn thắc mắc là có một số người thường áp cả miệng vào ống máy đo nồng độ cồn. Điều này khiến anh ái ngại khi phải dùng chung ống thổi với người được kiểm tra trước đó.
Tương tự, tối 5-1 Công an TP.Biên Hòa cũng tiến hành lập chốt kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Đang điều khiển xe ô tô chạy hướng từ ngã tư Lạc Cường về đường Hà Huy Giáp, chị Đ.T.L. (ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) được lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe và mời vào kiểm tra nồng độ cồn.
Theo chị L. mặc dù không “dính” lỗi vi phạm, nhưng bản thân lại băn khoăn khi kiểm tra nồng độ cồn của người này xong, cảnh sát giao thông sẽ thay ống mới vào để làm việc tiếp với các trường hợp sau đó hay không. Bởi rất nhiều người được mời vào kiểm tra, một số lái xe tỉnh táo chấp hành tốt yêu cầu của lực lượng chức năng còn một số người khác do đã có hơi men nên phải thổi 2-3 lần mới có kết quả.
“Nhiều người say xỉn, không làm chủ bản thân thường đưa cả miệng để ngậm vào ống thổi. Nếu được thay ống mới, mỗi người dùng một ống thổi riêng thì tôi rất yên tâm. Tuy nhiên nếu ai cũng thổi chung một ống sẽ mất vệ sinh. Chưa kể, bản thân người đó mắc một số bệnh lây nhiễm qua tuyến nước bọt thì có thể lây cho người được kiểm tra lượt sau” - chị L. bày tỏ lo lắng.
* Đảm bảo kết quả đo chính xác
Liên quan tới vấn đề kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, mới đây Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng đã đưa các thiết bị hiện đại vào kiểm tra nồng độ cồn. Máy này có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở sẽ giúp các chiến sĩ cảnh sát giao thông dễ dàng tác nghiệp tại hiện trường.
Việc kiểm tra nồng độ cồn được tiến hành theo thông lệ quốc tế. Quá trình kiểm tra với các tài xế di chuyển trên đường được tiến hành ngẫu nhiên, thời gian kiểm tra nhanh chóng nên không ảnh hưởng tới việc di chuyển của các tài xế. Đồng thời, bằng các phương pháp nghiệp vụ, nếu lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện ra các đối tượng có biểu hiện vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Trong khi đó, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông đã được trang bị máy kiểm tra nồng độ cồn hiện đại. Khác với ống thổi trước đây buộc người kiểm tra phải ngậm thì với máy mới lái xe chỉ cần thở hoặc thổi hơi vào là lập tức máy cho kết quả. Do đó, vấn đề vệ sinh ống thổi được đảm bảo an toàn cho mọi người. Máy đo nồng độ cồn cũng rất nhạy, chỉ cần thổi hơi mạnh cách xa ống vài cm là máy đã báo kết quả.
“Với máy đo độ cồn hiện đại giúp cho cảnh sát giao thông kiểm tra được nhiều người điều khiển phương tiện hơn. Ngoài ra, thiết bị này được cơ quan chức năng trang bị và đã kiểm định đảm bảo an toàn kỹ thuật nên chuẩn xác về các chỉ số lẫn thông tin. Các loại máy này tích hợp luôn với máy in, kết quả chi tiết sẽ đưa ra ngay sau đó nên người được kiểm tra không phải chờ lâu” - một cán bộ cảnh sát giao thông nói.
Dương Ngọc