Mỗi ngày trôi qua, lại có những người mãi mãi ra đi hay bị thương tật chỉ vì tai nạn giao thông (TNGT). TNGT thực sự là nỗi ám ảnh thường trực đối với mọi người, mọi nhà.
Mỗi ngày trôi qua, lại có những người mãi mãi ra đi hay bị thương tật chỉ vì tai nạn giao thông (TNGT). TNGT thực sự là nỗi ám ảnh thường trực đối với mọi người, mọi nhà.
Bà Nguyễn Thị Phỉ (ngụ KP.3, phường An Bình, TP.Biên Hòa) nén nỗi đau bên di ảnh người con trai tử vong vì tai nạn giao thông. Ảnh: D.ngọc |
* Mất mát không thể bù đắp
Kể từ khi người con trai H.T.L. tử nạn do TNGT cách đây hơn 2 tháng, căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ thuộc KP.3, phường An Bình (TP.Biên Hòa) của gia đình bà Nguyễn Thị Phỉ trở nên buồn vắng. Bà Phỉ kể lại, chiều 4-9, sau khi tan giờ làm việc, anh L. liền trở về nhà nghỉ ngơi. Khoảng chập tối, người con trai nói với bà ra ngoài có chút việc riêng rồi hẹn sẽ về cùng ăn cơm.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Bôn cho biết: “Năm nay, Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT sẽ được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức vào ngày 17-11 với chủ đề Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại. Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa của sự kiện tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT và những hậu quả đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội”. |
Tầm 20 giờ cùng ngày, bà nhận được điện thoại của cháu gái thông báo về sự việc anh L. đang điều khiển xe máy trên đường thì bị xe ô tô tông dẫn đến tử vong. Nghe tin dữ, bà Phỉ ngồi sụp xuống giữa nhà mà không tin những gì đang diễn ra.
Từ ngày con trai mất đột ngột, bà mất ngủ triền miên, sức khỏe giảm sút. Nhiều khi buồn bã, chán nản, có lúc tưởng như gục ngã nhưng được sự động viên của con cháu, bà lại cố gắng nén nỗi đau vào lòng. Với những bậc làm cha mẹ như bà, không gì đau đớn bằng thảm cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”.
Bà Phỉ cho hay, sau mấy hôm xảy ra tai nạn, vì quá nhớ con trai nên bà được người thân chở đến hiện trường nơi xảy ra sự việc. Nhìn những đường sơn trắng nguệch ngoạc giữa nền đường, bà thầm trách chỉ vì sự bất cẩn, một phút sai lầm của người cầm lái đã chôn vùi cả tương lai của người khác. Sau vụ tai nạn, phía gia đình tài xế xe tải gây tai nạn khiến con trai bà tử vong đã đến nhà thăm hỏi, bồi thường về mặt vật chất. Tuy nhiên, với người mẹ già không số tiền nào có thể bù đắp được sự mất mát, tổn thất về tinh thần khi đột ngột mất con.
* Khánh kiệt vì TNGT
Ngoài cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người, TNGT còn kéo theo nhiều hệ lụy khác khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc, con trẻ bỗng chốc sống trong phận mồ côi.
Trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, dột nát nhiều nơi ở ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định (huyện Định Quán), bà Nguyễn Thị Liên (63 tuổi) buông đôi mắt thấm đượm nỗi đau buồn kể lại sự việc mất con trai sau vụ TNGT xảy ra đêm 24-5-2019. Tối hôm đó, anh L.V.S. trên đường đi làm về thì không may gặp nạn. Giữa ánh đèn đường lúc mờ lúc sáng, chỉ trong tích tắc chiếc xe tải đã cướp đi vĩnh viễn người con trai của bà.
Xót xa hơn, sự ra đi của anh S. để lại cho bà 3 đứa cháu nội (lần lượt 11 tuổi, 10 tuổi và 5 tuổi) thơ dại. Nhìn hoàn cảnh đau thương đến cùng cực, bất cứ ai đến viếng đám tang ngày hôm ấy cũng không thể cầm được nước mắt. Ai nấy đều chạnh lòng, không biết những ngày tháng sắp tới 3 đứa trẻ sẽ nương tựa vào đâu.
Trong 9 tháng của năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 237 vụ TNGT, làm chết 188 người (giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2018), bị thương 138 người (giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2018). Độ tuổi các nạn nhân chủ yếu từ 27-54 tuổi. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do thiếu chú ý quan sát, lấn trái đường, chuyển hướng sai quy định, tránh vượt sai quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn... |
Nhắc về hoàn cảnh của gia đình, nước mắt bà Liên chực trào ra. Bà Liên kể, anh S. lấy vợ đầu sinh được 2 người con, nhưng vợ chồng sống không hòa hợp nên đã ly hôn. Người vợ bỏ đi để lại cho bà và con trai 2 cháu còn quá nhỏ dại. Năm 2013, anh S. tiếp tục lập gia đình rồi sinh một bé trai khác. Tuy nhiên, sau 2 năm chung sống vì gia cảnh quá khó khăn, vợ mới của anh S. đã khăn gói ra đi.
Hiện nay, bà Liên sống với 3 người cháu nhỏ dại trong căn nhà nhỏ, chắp vá bốn bề. Cuộc sống của mấy bà cháu chỉ trông chờ vào số tiền làm thuê, làm mướn của bà Liên và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm.
Ngồi bần thần nhìn di ảnh của con trai, nghĩ về các cháu bỗng chốc phải sống trong phận mồ côi cha, bà Liên vẫn cảm thấy đau nhói. Những tưởng sẽ an dưỡng tuổi già, nhưng giờ đây bà Liên trở thành điểm tựa duy nhất để hằng ngày lo toan, chăm sóc cho các cháu. Có những đêm, bà nằm ôm 3 cháu nhỏ mà khóc vì không biết rồi cuộc đời ngày mai của chúng sẽ ra sao.
“Ngày trước, dù vất vả nhưng nhờ có công việc ổn định nên tôi luôn động viên con trai cố gắng làm để nuôi nấng các cháu. Cả gia đình đều dựa vào tiền lương từ nghề cơ khí con trai mang về. Nhưng bây giờ, ngày kiếm 3 bữa ăn còn khó thì mơ gì đến chuyện lo cho chúng học hành đàng hoàng...” - bà Liên vừa nói vừa thở dài.
Dương Ngọc