Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo lắng khi thang máy gặp sự cố

09:10, 07/10/2019

Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các sự cố về thang máy, thậm chí có cả người tử vong. Điều này một lần nữa dấy lên lo ngại với nhiều người thường xuyên sử dụng thang máy tại các chung cư, tòa nhà cao tầng.

Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các sự cố về thang máy, thậm chí có cả người tử vong. Điều này một lần nữa dấy lên lo ngại với nhiều người thường xuyên sử dụng thang máy tại các chung cư, tòa nhà cao tầng.

Trẻ em đi trong thang máy nên có người lớn đi cùng để đảm bảo an toàn (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Đ.Tùng
Trẻ em đi trong thang máy nên có người lớn đi cùng để đảm bảo an toàn (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Đ.Tùng

* Giật mình qua những sự cố

Gần nhất vào chiều 21-9, một bảo vệ tại chung cư Lotus Sen Hồng (tỉnh Bình Dương) trong lúc kiểm tra thang máy cùng nhân viên kỹ thuật thì sơ ý bước chân vào buồng thang máy tại tầng 18 (trong khi cabin thang máy bị mắc kẹt tại tầng 20) và rơi xuống hầm tử vong.

Trong thời gian qua, tại TP.Hồ Chí Minh cũng xảy ra một số sự cố thang máy nhưng những người bị kẹt trong thang máy đã được lực lượng cứu nạn, cứu hộ kịp thời đưa ra. Cụ thể, khoảng 2 giờ ngày 5-6, tại một tòa nhà cao tầng (ở quận 1) xảy ra sự cố kẹt thang máy làm 21 người bị kẹt bên trong hơn 20 phút. Lực lượng cứu hộ phải phá cửa thang máy đưa người ra ngoài. Hay trước đó, khoảng 1 giờ 30 ngày 9-5, tại Khách sạn G. (huyện Hóc Môn) xảy ra sự cố kẹt thang máy làm 8 người kẹt bên trong hơn 30 phút...

Mặc dù, thời gian gần đây, tại Đồng Nai không xảy ra các sự cố nghiêm trọng nào liên quan đến thang máy nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có khá nhiều chung cư, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, bệnh viện có sử dụng thang máy. Trước các sự cố thang máy xảy ra trên địa bàn cả nước, người dân đi lại trên các thang máy ở Đồng Nai cũng không khỏi lo lắng.

Anh Nguyễn Khắc Luân (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay: “Khi làm việc tại công ty, khi mua sắm, giải trí ở các trung tâm thương mại, tôi đều sử dụng thang máy. Khi đọc thông tin về các sự cố thang máy, tôi cũng thấy lo lắng. Vì thật sự, tôi cũng không biết xử lý ra sao nếu bị kẹt trong thang máy nhiều giờ như vậy”.

* Làm gì khi gặp sự cố thang máy

Hiện toàn tỉnh có hơn 20 chung cư, nhà cao tầng; 10 trung tâm thương mại, chủ yếu tập trung tại TP.Biên Hòa và tất cả đều có thang máy. Các tòa nhà này số lượng người ra vào, sinh sống lên đến con số hàng ngàn như Co.opmart Biên Hòa có 3 ngàn lượt người ra vào/ngày, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có khoảng 10 ngàn lượt người ra vào/ngày, chung cư Nguyễn Ái Quốc có khoảng 2,3 ngàn người sinh sống... kéo theo đó lượt người sử dụng thang máy cũng rất nhiều.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, một số sự cố có thể gặp phải trong thang máy là cúp điện, hỏng thiết bị, rơi tự do... Hiện nay, thang máy đều có một hệ thống cứu hộ và nguồn điện dự trữ sẽ tự động kích hoạt trong tình huống cúp điện để đưa thang về tầng gần nhất. Đặc biệt, sự cố rơi tự do hoặc chạy quá nhanh (do đứt cáp hoặc thắng bị hư) là sự cố nguy hiểm nhất khiến người ra vào, sinh sống tại các tòa nhà cao tầng lo lắng và hoang mang.

Ông Nguyễn Tiến Luật, nhóm trưởng bảo trì Co.opmart Biên Hòa nói, để tránh các sự cố trên, định kỳ mỗi ngày hoặc theo tuần, theo tháng, nhân viên bảo trì siêu thị sẽ kiểm tra tất cả hệ thống điện, thiết bị đảm bảo an toàn các loại... Ngoài nguồn điện thì trong thang máy có thiết bị khống chế vượt tốc, trong quá trình bảo trì bảo dưỡng thang máy, nhân viên bảo trì luôn chú ý đến bộ phận này để hạn chế sự cố xảy ra.

Bên cạnh việc bảo trì, bảo dưỡng, tự kiểm tra hệ thống thang máy của bộ phận quản lý, điều hành tòa nhà thì những người đi thang máy cũng cần tự trang bị các kỹ năng thoát hiểm, xử lý sự cố thang máy khi không may gặp phải. Khi được hỏi, nhiều người thường xuyên đi thang máy cho hay, không gian trong thang ngột ngạt, chật, thường xuyên có đông người nên mọi người chỉ tập trung vào tầng muốn đến chứ ít ai chú ý đến các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cảnh báo dán trên vách thang. Không may sự cố xảy ra, sự chủ quan đó có thể dẫn đến việc người trong thang máy mất bình tĩnh, hoảng loạn, làm tình hình trở nên phức tạp.

Trung úy Nguyễn Khánh Duy, cán bộ Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) cho hay: “Có nhiều cách xử lý khi người đi thang máy gặp sự cố kẹt phía bên trong, việc đầu tiên là bình tĩnh, không được hoảng loạn, đừng cố tìm cách thoát ra từ phía trên nóc thang. Trong thang thường có các nút báo khẩn cấp, điện thoại và số điện thoại để báo hiệu sự cố về bộ phận quản lý tòa nhà. Khi biết được bộ phận quản lý tòa nhà hoặc lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã nắm thông tin về sự cố thì mọi người nên bình tĩnh chờ đợi được giải cứu”.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết bên cạnh việc phải lắp đặt loại thang máy đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn, ban quản lý, ban quản trị hoặc chủ tòa nhà phải niêm yết nội quy và hướng dẫn sử dụng, xử lý sự cố trong thang máy. Đặc biệt với các khu chung cư, khi tổ chức tuyên truyền an toàn PCCC cho cư dân, cần lồng ghép nội dung sử dụng thang máy an toàn và cách xử lý nếu gặp sự cố.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Oronavietnam.vn - thang máy Orona tại Việt Nam Thang máy mitsubishi Công ty thang máy