Cuối tuần vừa qua, tôi đưa con đi siêu thị Big C (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ngay dịp nghỉ lễ 2-9 nên có rất đông người đến siêu thị. Nhà xe của siêu thị này gần như chật kín.
Cuối tuần vừa qua, tôi đưa con đi siêu thị Big C (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ngay dịp nghỉ lễ 2-9 nên có rất đông người đến siêu thị. Nhà xe của siêu thị này gần như chật kín. Tôi phải xuống xe xếp 2 chiếc xe khác sát vào nhau để lấy chỗ trống đưa xe mình vào. Dù 2 xe xếp sát không hề va chạm nhau, nhưng một người phụ nữ đứng cạnh đó giật mạnh tay tôi ra và lớn tiếng mắng tôi đã làm trầy xe của bà ấy. Tôi nói nhà xe chật thì để xe sát nhau là chuyện thường, không ai được quyền giành cho mình một chỗ để xe rộng thênh thang. Thế nhưng người phụ nữ này vừa lớn tiếng, vừa cố kéo xe của tôi ra, để đưa xe của mình ra giữa khoảng trống ấy.
Thấy mẹ làm quá, cô con gái khoảng 8 tuổi của người phụ nữ này kéo áo mẹ: “Mẹ, cô ấy đâu có làm trầy xe của mình. Mẹ cho cô ấy để xe vào cũng được mà”. Ngay lập tức, người phụ nữ này quay lại mắng con: “Mày biết gì mà nói! Để nó chen xe vào, xe của mình sẽ bị trầy hết đó con...!”. Cô bé đứng tiu nghỉu. Vì không thích hai đứa trẻ phải chứng kiến chuyện không hay ho, tôi tìm chỗ khác để xe.
Mới đây câu chuyện về một nữ công an gây rối tại Sân bay Tân Sơn Nhất gây xôn xao dư luận. Những gì người phụ nữ ấy làm cũng đã bị cộng đồng lên án. Nhưng phía sau hành động không chuẩn mực của người phụ nữ này là câu chuyện một đứa trẻ bị tổn thương. Đó là cô con gái nhỏ của người phụ nữ này đã phải chứng kiến cảnh mẹ mình trợn mắt, quát tháo nhân viên sân bay với những lời lẽ thô tục ngay trước đông đảo mọi người.
Ông bà ta có câu “rau nào sâu nấy”. Trẻ con thường hay bắt chước, cha mẹ và những người lớn trong gia đình ứng xử thế nào thì khi lớn lên, trẻ con cũng sẽ hành động như thế, bởi trẻ đã được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình hằng ngày. Nếu môi trường gia đình ứng xử văn hóa thì khi lớn lên, con trẻ cũng sẽ hành động theo những gì được thấy, được trải nghiệm, được giáo dục và ngược lại.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Để trẻ em lớn lên trở thành người hữu ích cho xã hội, có hành động đẹp, biết tôn trọng lẽ phải và ứng xử có văn hóa, phải bắt đầu từ những hành vi ứng xử có văn hóa của người lớn trong gia đình và ngoài cộng đồng. Con trẻ đang nhìn vào cách sống, cách ứng xử của người lớn để học làm theo. Điều này rất cần sự ứng xử tử tế, có văn hóa để mỗi người lớn luôn là tấm gương sáng cho trẻ em noi theo.
Nguyễn Thị Kiều Liên
(phường Tân Mai, TP.Biên Hòa)