Từ ngày 1-9-2019, Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ có hiệu lực. Trao đổi về nội dung của nghị định, ông TRẦN TRỌNG TÁ, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết:
Ông Trần Trọng Tá, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, thể thao và du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) |
Từ ngày 1-9-2019, Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ có hiệu lực. Trao đổi về nội dung của nghị định, ông TRẦN TRỌNG TÁ, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết:
- Một trong những điểm mới đáng chú ý của nghị định là không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi, trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật...
* Về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, Nghị định 54 quy định ra sao, thưa ông?
- Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke gồm: phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy, nổ).
Ngoài trách nhiệm quy định nêu trên, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ karaoke có trách nhiệm bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không được hoạt động từ 0-8 giờ sáng.
* Riêng dịch vụ kinh doanh vũ trường thì các cơ sở cần lưu ý gì để không vi phạm quy định mới?
- Đối với loại hình kinh doanh dịch vụ vũ trường thì doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định mới thì phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy, nổ).
Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200m trở lên.
* Trách nhiệm của người kinh doanh karaoke, vũ trường được quy định như thế nào, thưa ông?
- Ngoài trách nhiệm nêu trên, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2-8 giờ sáng (đối với vũ trường, so với quy định của Nghị định 103/2009/NĐ-CP về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng thì thời gian hoạt động của vũ trường tăng thêm 2 giờ, trước đây không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng).
Nhiều thanh niên dương tính với ma túy bị Công an TP.Biên Hòa phát hiện tại một quán karaoke trên địa bàn thành phố. Ảnh: Trần Danh |
Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chỉ được sử dụng các bài hát phổ biến, lưu hành; cung cấp trang phục, bảng tên cho người lao động; bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu; tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bản quyền tác giả, hợp đồng lao động, an toàn lao động, bảo hiểm, phòng chống tệ nạn xã hội và các quy định pháp luật khác có liên quan.
* Có tình trạng một số cơ sở kinh doanh để xảy ra tình trạng phòng hát karaoke hoặc các vũ trường thành nơi tụ tập hút, chích ma túy bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua, theo ông cần có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý?
- Mỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường muốn hoạt động đều phải đảm bảo thực hiện đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài đảm bảo yếu tố về trang thiết bị hoạt động, phòng chống cháy, nổ còn phải đảm bảo về an ninh trật tự.
Việc một số cơ sở kinh doanh để xảy ra tình trạng phòng hát karaoke hoặc vũ trường thành nơi tụ tập hút, chích ma túy bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua, theo tôi giải pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là tăng cường việc ngăn chặn tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các đối tượng này lợi dụng địa điểm vui chơi giải trí (trong đó có loại hình karaoke và vũ trường) để sử dụng ma túy. Giải pháp cốt lõi nhất vẫn là việc ngăn chặn tận gốc các đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy. Để làm được việc này đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân, mỗi gia đình hiểu rõ tác hại, hệ lụy của ma túy gây ra trong xã hội.
Ở góc độ ngành, sắp tới sau khi Nghị định 54 có hiệu lực, chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết, tổ chức tập huấn cho các địa phương, đơn vị liên quan, đội kiểm tra liên ngành 814 các cấp; tiếp tục tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp việc kinh doanh theo đúng quy định; rà soát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nếu cơ sở nào thực tế không còn hoạt động sẽ tiến hành thu hồi giấy phép; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)