Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chịu đi cầu bộ hành, lại leo trèo qua dải phân cách

10:08, 23/08/2019

Cầu bộ hành xây cho người đi bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân mỗi khi sang đường. Thế nhưng, dù cầu bộ hành có ngay trước mặt, nhiều người vẫn vô tư trèo qua dải phân cách, cắt ngang mấy làn xe để sang đường.

Cầu bộ hành xây cho người đi bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân mỗi khi sang đường. Thế nhưng, dù cầu bộ hành có ngay trước mặt, nhiều người vẫn vô tư trèo qua dải phân cách, cắt ngang mấy làn xe để sang đường.

Bất chấp nguy hiểm, nhiều công nhân trèo qua dải phân cách để sang đường cho nhanh
Bất chấp nguy hiểm, nhiều công nhân trèo qua dải phân cách để sang đường cho nhanh

Đi bộ không đúng quy định sẽ bị xử phạt, thậm chí nếu băng qua đường không đúng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng quy định sẽ bị phạt tù. Thế nhưng nhiều người vẫn bất chấp...

* Bất chấp nguy hiểm

Trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa), một chiếc cầu bộ hành được xây kiên cố, bắc ngang quốc lộ 1K để cho công nhân sang đường an toàn. Thế nhưng khi tan ca, nhiều công nhân “chê” cầu bộ hành và trèo qua dải phân cách để sang đường.

Theo Khoản 2, Điều 9, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đi bộ vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền từ 60-80 ngàn đồng. Còn theo Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), người đi bộ băng qua đường mà là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Trong 30 phút đứng ở chân cầu bộ hành vào giờ tan ca chiều của công ty này, chúng tôi đã đếm được 118 công nhân cả nam lẫn nữ  trèo qua dải phân cách cao tầm 1,5m để sang đường, trong khi một số công nhân khác tuân thủ việc sang đường bằng cầu bộ hành. Thời điểm này đang là giờ cao điểm, quốc lộ 1K rất đông xe. Những xe tải lao vút vút, nhưng hàng tốp công nhân vẫn ồ ạt kéo nhau trèo qua dải phân cách một cách nhanh chóng.

Một tình huống bất ngờ xảy ra, một nữ công nhân vừa trèo qua dải phân cách nhưng bất ngờ trượt chân té xuống đường, rất may lúc đó một chiếc xe tải trờ đến nhưng né được. Được hỏi vì sao có cầu bộ hành không đi mà lại trèo qua dải phân cách để sang đường kiểu nguy hiểm này?  Mặt mày tái mét, nữ công nhân ấp úng cho biết: “Làm 8 tiếng, tan ca ra rất mệt, cầu thì cao, nhiều bậc nên tôi bước không nổi, trèo qua dải phân cách cho nhanh. Lúc nãy  tôi bị té, suýt bị xe cán, nghĩ lại sợ. Từ nay chắc tôi không dám trèo qua dải phân cách để sang đường nữa”.

Bà Trần Thị Hai bán hàng rau trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam cho biết: “Rất nhiều công nhân “chê” cầu bộ hành, nói đi lên đi xuống mất thời gian nên trèo qua dải phân cách sang đường cho nhanh. Tôi thấy mấy em sang đường kiểu này rất nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp va chạm với xe đang chạy, gây tai nạn”.

Trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua phường Quang Vinh, để phục vụ cho người dân ở các chung cư khu vực này, một chiếc cầu bộ hành cũng đã được xây dựng rất đẹp, nhưng không mấy người sử dụng. Cũng ngại leo lên leo xuống, nhiều người còn dắt cả con nhỏ vô tư bước qua vườn cỏ, lách qua hàng cây kiểng, vượt 4 làn xe để sang đường. 

Bà Thái Thị Loan ở chung cư Nguyễn Văn Trỗi buổi sáng đi chợ ở Siêu thị Mega bên kia đường, bà vẫn chịu khó leo cầu bộ hành để sang đường. Bà Loan cho hay, leo cầu thang trước là để sang đường cho an toàn, sau là tập thể dục. Có điều là cầu thang dốc quá người già chân yếu, đi lên đi xuống cũng mệt”. Còn cầu bộ hành trước Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (phường Tân Tiến) cũng gần như không  mấy học sinh sử dụng, bởi cách đó một đoạn ngắn có đường mở nên học sinh chủ yếu qua đường ở khu vực này. 

* Tiếc chi mấy phút lên cầu...

Ở Biên Hòa, tại một số khu vực dân cư đông đúc, nơi có đường giao thông nhiều làn và lưu lượng xe cộ qua lại lớn, cầu bộ hành được xây dựng chắc chắn, có mái che mưa nắng, thoáng mát, sạch sẽ, giúp người dân sang đường an toàn, thế nhưng nhiều người, kể cả người lớn và trẻ em bất chấp nguy hiểm, thờ ơ với tính mạng của mình và người khác khi thích băng ngang đường lộ, lách giữa những làn xe lao vun vút.

Nhiều công nhân Công ty Pouchen sử dụng cầu bộ hành để sang đường
Nhiều công nhân Công ty Pouchen sử dụng cầu bộ hành để sang đường

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bôn, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, việc không dùng cầu bộ hành mỗi khi sang đường, dù cầu chỉ cách vài bước chân là rất nguy hiểm. Nhiều người cho rằng leo lên leo xuống mệt người, mất thời gian..., đó chỉ là cái cớ biện minh cho việc thiếu ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Việc băng ngang quốc lộ giữa dòng xe cộ đông đúc không chỉ  gây nguy hiểm cho mình mà còn ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện.

Cũng theo ông Bôn, hiện pháp luật đã quy định, người đi bộ sang đường không đúng quy định không chỉ bị phạt mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đó là nguyên nhân gây ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Hiện Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, với nhiều người cố ý vi phạm nhiều lần như công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, ngoài xử phạt hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nên phạt cả hành vi cố ý không chấp hành pháp luật, có như vậy mới giảm được tình trạng người đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông.

An Nhiên

Tin xem nhiều