Đường Suối Gấm là con đường liên xã, nối liền xã Phú An, Núi Thượng và Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú). Nhiều năm nay, đây là con đường gây nhiều trắc trở cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân...
Đường Suối Gấm (tên người dân thường gọi) là con đường liên xã, nối liền xã Phú An, Núi Thượng và Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) nhiều năm nay luôn là đoạn đường trắc trở đối với việc đi lại, vận chuyển nông sản của hơn 80 hộ dân tổ 1, ấp 4 thuộc xã Phú An.
Một trong những điểm bị lầy lội trên đường Suối Gấm. Ảnh: M.QUÂN |
Đây là con đường duy nhất để người dân tổ 1, ấp 4 đi đến trung tâm xã hoặc làm các thủ tục hành chính tại UBND xã Phú An.
* Đường rộng vẫn hẹp lối đi
Vừa hết đoạn đường 600B mới trải nhựa khang trang, để vào khu Suối Gấm, tổ 1, ấp 4, người dân nơi đây phải đi trên con đường đất vừa dốc vừa lổm nhổm những rãnh nước khá sâu, chảy thành dòng trên mặt đường. Do đặc thù con đường đi qua những quả đồi nên hầu hết đường có rãnh do nước mưa tạo ra nên mặt đường để người dân có thể đi được chỉ là một lối mòn. Dù vậy, ai cũng phải cẩn thận để không bị trơn trượt hoặc mất trớn lấn sang phần rãnh nước bên cạnh sẽ bị ngã rất nguy hiểm.
Đường Suối Gấm có tổng chiều dài trên 3km, mặt đường hiện hữu rộng khoảng 5,5m đi qua khu vực dân cư thuộc ấp 4, xã Phú An. Đây là con đường duy nhất kết nối người dân trong ấp ra trung tâm xã Phú An và cũng là con đường vận chuyển nông sản trọng yếu cho hàng trăm hecta đất nông nghiệp trong vùng. Hiện trạng con đường rất xấu, khiến người dân đi lại khó khăn, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân. |
Ông Lữ Hồng Phong, hộ dân sống ngay cạnh đường Suối Gấm chia sẻ những khó khăn và mong ước của bà con nơi đây chính là có một con đường bằng phẳng, đàng hoàng hơn để đi lại thuận tiện.
“Đường sá như thế này khiến cho đi lại bình thường rất khó khăn. Khổ nhất là nhà nào có người ốm hoặc có đám tiệc gì lớn vì rất vất vả trong việc đi lại. Ngán ngẩm nhất là vào mùa mưa, đường trơn trượt, các rãnh nước giữa đường càng thêm sâu sau mỗi cơn mưa lớn. Bà con nơi đây mong có con đường tốt từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa thấy thông tin gì từ các cơ quan chức năng” - ông Phong cho biết thêm.
Ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân, con đường Suối Gấm còn có thêm nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển nông sản và các loại nguyên vật liệu trong trồng trọt như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
* Bao giờ có đường mới?
Ông Hoàng Minh Hải, cán bộ địa chính xã Phú An cho biết, mỗi khi có việc đi Suối Gấm là cán bộ thường phải tranh thủ làm nhiều việc khác. Hơn nữa, do đoạn đường đi khó khăn nên dù chỉ cách trung tâm xã vài km nhưng các cán bộ vẫn chuẩn bị tinh thần đi cả ngày.
Dù mặt đường rộng nhưng người dân chỉ có thể đi theo lối mòn một cách khó khăn. Ảnh: M.QUÂN |
Đường Suối Gấm có tổng chiều dài khoảng 3km, sau đó đường rẽ thành hai nhánh để kết nối với 2 xã Núi Tượng và Nam Cát Tiên. Tất cả con đường ở đây đều còn là đường đất, đi lại rất khó khăn. Trước năm 2018, đây là con đường do UBND huyện Tân Phú quản lý. Từ năm 2018 đến nay, con đường được chuyển về cho xã quản lý.
Trước những khó khăn của người dân khu Suối Gấm, vừa qua UBND xã Phú An đã có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét, hỗ trợ kinh phí để làm con đường. Ông Đỗ Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, theo dự trù kinh phí để làm con đường trên cần khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định đường do xã quản lý sẽ phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 80% kinh phí, còn lại 20% do nhân dân đóng góp.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng do địa bàn dân cư thưa, chủ yếu là rẫy nên tính theo số hộ thì mỗi hộ phải đóng từ 30 triệu đồng trở lên. Đây là số tiền không hề nhỏ nên nếu xã có chủ trương làm đường thì cũng rất khó trong vấn đề vận động từ nhân dân. “Với một địa bàn thưa dân cư mà mức đóng cao như vậy thì khả năng đóng góp của bà con là rất thấp. Không biết đến bao giờ con đường mới hình thành, tạo điều kiện đi lại cho bà con” - ông Huy chia sẻ thêm.
Minh Quân