Báo Đồng Nai điện tử
En

Cưa chân rồi, biết làm gì để sống...

10:08, 16/08/2019

Mới ngoài 60 tuổi nhưng nhìn ông Hoàng Văn Dũng (ảnh, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) già như người gần 80. Hơn 2 tháng nay, ông nằm tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa) để điều trị bàn chân trái bị hoại tử do biến chứng của bệnh tiểu đường và có nguy cơ phải cắt bỏ.

Mới ngoài 60 tuổi nhưng nhìn ông Hoàng Văn Dũng (ảnh, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) già như người gần 80. Hơn 2 tháng nay, ông nằm tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa) để điều trị bàn chân trái bị hoại tử do biến chứng của bệnh tiểu đường và có nguy cơ phải cắt bỏ.

Ông Dũng làm nghề chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm được 50-70 ngàn đồng cũng tạm đủ cho cả nhà sống qua ngày. Vợ ông bị bệnh tim khá nặng, bác sĩ từng yêu cầu phải điều trị nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng gia cảnh quá nghèo, không có tiền chạy chữa thuốc men, nên vợ ông cứ lần lữa không đến bệnh viện, hàng ngày ai thuê việc gì làm việc nấy. Hai con của ông Dũng mới chỉ 15 và 12 tuổi nhưng do nhà quá nghèo nên đã nghỉ học để phụ mẹ đi làm mướn.

Cách đây 3 tháng, trong một lần chở khách, ông Dũng bị tai nạn giao thông, 3 ngón của bàn chân trái bị giập nát. Do cuộc sống khó khăn, nếu nghỉ chạy xe một ngày là một ngày không có cơm ăn nên ông Dũng chủ quan, tự băng bó, tự mua thuốc kháng sinh về uống rồi tiếp tục chạy xe. Nhưng do bị bệnh tiểu đường mà không biết nên vết thương của ông không lành và ngày càng lở loét, hoại tử lan nhanh. Đến khi đau quá không chịu nổi, đi bệnh viện ông mới biết bàn chân bị hoại tử do biến chứng của bệnh này gây nên và phải cắt bỏ bàn chân. Chi phí cho ca phẫu thuật và điều trị khoảng 60 triệu đồng.

Nằm bệnh viện đã 2 tháng để điều trị bệnh tiểu đường trước khi phẫu thuật, tại đây ông được bác sĩ Nguyễn Thế Thử, Giám đốc Bệnh viện Tâm Hồng Phước thương hoàn cảnh của ông nên bố trí hẳn một phòng riêng để ông và người thân ở, đồng thời cho cha con ông ngày 3 bữa cơm. Bác sĩ Thử cho biết, bệnh nhân bị tiểu đường rất nặng, do để lâu không điều trị nên bây giờ rất nhiều biến chứng. Ngoài tiểu đường, ông Dũng còn có một số bệnh về phổi, gan… nên sau phẫu thuật cắt bỏ bàn chân, ông Dũng còn phải điều trị nhiều bệnh khác nữa. Bệnh viện cũng đã hỗ trợ ông rất nhiều, nhưng không thể miễn phí toàn bộ.

Ông Dũng nói với chúng tôi bằng giọng buồn buồn: “Đủ chân cày cả ngày còn chưa sống nổi, giờ cắt một chân rồi, không biết làm gì sống đây? Xuất viện về chắc phải chống nạng đi bán vé số thôi. Tôi chỉ thương vợ vốn đã ốm yếu, bệnh tật, giờ lại thêm gánh nặng người chồng tật nguyền, không biết vợ tôi có chịu được không”. Từ khóe mắt mờ đục, giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng khắc khổ của người đàn ông.

Rất mong bạn đọc gần xa rộng lòng giúp đỡ để ông Dũng có điều kiện chữa trị bệnh và vượt qua khó khăn. Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc đối với trường hợp này xin gửi về Báo Đồng Nai, địa chỉ: số 15, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa; điện thoại: 0915734473.

Phương Liễu

Tin xem nhiều