Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân chia tài sản cho con: Buồn vui tuổi già

09:07, 24/07/2019

Nhiều bậc làm cha mẹ cả đời gầy dựng, chắt chiu lo cho các con và đến cuối đời còn chút tài sản cũng muốn chia nốt cho con. Cả đời vì con, nhưng không ít người về già lâm vào cảnh lao đao, buồn phiền, hiu quạnh vì thiếu sáng suốt khi chia tài sản cho các con.

Nhiều bậc làm cha mẹ cả đời gầy dựng, chắt chiu lo cho các con và đến cuối đời còn chút tài sản cũng muốn chia nốt cho con. Cả đời vì con, nhưng không ít người về già lâm vào cảnh lao đao, buồn phiền, hiu quạnh vì thiếu sáng suốt khi chia tài sản cho các con.

Với những người con hiếu đễ, gia đình anh em đoàn kết, yêu thương nhau thì  tài sản cha mẹ để lại chỉ là hương hoa. Nhưng với không ít gia đình, vì tài sản thừa kế mà tranh chấp, kiện tụng thậm chí đánh nhau khiến cha mẹ phiền muộn khi về già.

Là người làm công tác người cao tuổi, ông Phạm Công Ngôn, Phó ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chia sẻ, trong đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, nhiều bậc cha mẹ cả đời lam lũ vất vả với mong muốn khi sống thì chăm lo cho các con, lúc qua đời có chút tài sản để lại. Bản thân ông từng chứng kiến khá nhiều trường hợp cha mẹ chia hết tài sản cho các con rồi về già lại bị con cái hắt hủi, trở nên cô đơn, buồn tủi…

Theo ông Ngôn, cha mẹ có tài sản, đặc biệt là tài sản lớn như nhà cửa, đất đai nên thực hiện phân chia cho hợp tình, hợp lý và rõ ràng, nhất là đối với những gia đình có nhiều dòng con và nên thực hiện bằng cách lập di chúc. Không nên chia hết tài sản cho con rồi đi ở với một người con trong số đó. Bởi, nếu là các con hiếu thảo thì tuổi già cha mẹ sẽ được bình yên, nhưng với gia đình coi trọng vật chất, khi không còn tài sản, tiền của thì cha mẹ sẽ bị xem là người vô dụng, ăn bám, bị hắt hủi, coi thường.

Một luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh cho hay, thời gian gần đây những vụ tranh chấp tài sản liên quan đến vấn đề thừa kế, phân chia tài sản giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em ruột thịt với nhau có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp tài sản là do giữa cha mẹ và con cái chưa có sự rõ ràng, rạch ròi khi phân chia, thừa kế, hiến tặng tài sản.

Theo khuyến cáo của luật sư này, khi phân chia tài sản, những bậc cha mẹ nên lưu ý: không nên chia hết tài sản của mình cho con cái; lập di chúc về phân chia tài sản dưới sự chứng kiến của các bên có liên quan; thực hiện di ngôn, di chúc phân chia tài sản với các điều kiện kèm theo; không cho con cháu mượn tài sản có giá trị lớn đem cầm cố, thế chấp...

Thiện Tâm (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều