Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đồng bào dân tộc Chăm ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) gần đây đã có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, nên đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện.
Trong những năm gần đây, song song với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc không ngừng được cải thiện. Nhờ vậy, làng Chăm ở xã Xuân Hưng đã đổi thay từng ngày.
Bà con làng Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc thu hoạch thanh long |
* Đời sống nâng cao
Làng Chăm hiện có hơn 2.200 nhân khẩu, là ngôi làng có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất tỉnh. Những năm trước nhiều bà trong làng Chăm sống khép kín, kinh tế chỉ phụ thuộc vào 2 vụ lúa nước. Nhưng do đất đai bạc màu, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác nên đời sống của bà con rất khó khăn. Không ít hộ đành bỏ làng đi lập nghiệp nơi khác.
Bà Trần Thị Mai Phương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng cho hay, trình độ nhận thức của bà con đồng bào Chăm đã được nâng cao hơn rất nhiều. Bà con tích cực học tập, vận dụng những cái mới vào trong sinh hoạt, sản xuất. |
Những năm qua, huyện Xuân Lộc đã đề ra nhiều chương trình, nhóm giải pháp thích hợp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nơi đây. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà ở, trường học, đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, nước sạch và các chính sách hỗ trợ về vốn sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.
Chị Hanifoh cho hay, trước kia chị cũng giống như bao phụ nữ trong làng đều sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ công việc đồng áng của chồng nên kinh tế rất khó khăn. Cách đây hơn 5 năm, sau khi được chính quyền địa phương cho học nghề, chị được giới thiệu vào làm việc tại Công ty may Đồng Xuân Lộc đóng chân trên địa bàn. Nhờ mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nên kinh tế của gia đình chị đã nâng lên rất nhiều.
Còn đối với hộ của ông Abtukholick, nông dân sản xuất giỏi của xã Xuân Hưng, trước kia mặc dù gia đình ông Abtukholick sở hữu đến hơn 1 hécta đất ruộng nhưng do không biết cách canh tác nên hiệu quả không cao. Chỉ cách đây 4 năm, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện để làm vốn chăn nuôi bò và chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang cây thanh long ruột đỏ. Nhờ chăm chỉ lao động, nên vườn thanh long nhà ông luôn tươi tốt cho năng suất cao, mỗi năm mang thu nhập về cho gia đình ông hơn 400 triệu đồng.
* Đổi thay từng ngày
Ông Mohamet Nooru Deer, Trưởng ấp 4 cho biết: “Làng chăm của chúng tôi nay đã đổi thay rất nhiều. Nếu như trước năm 2010, gần như 100% các tuyến đường nơi đây đều là đường đất, nắng bụi, mưa lầy; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt là rất thấp, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất cao với 226 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/năm..., thì đến nay, số hộ nghèo giảm xuống còn 27 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm. 100% hộ dân có nước sạch, điện sinh hoạt, sản xuất; gần 100% các tuyến đường đã được bê tông hóa".
Trưởng ấp 4 còn cho biết thêm rằng, năm 2018 vừa qua, bà con nơi đây cũng rất vui mừng vì được Nhà nước xây dựng nhà văn hóa khang trang với đậm nét kiến trúc cổ của dân tộc Chăm. Đây cũng là nơi để dân làng hội họp, sinh hoạt, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của bà con người Chăm.
Ông Deer cũng cho hay, nhờ cuộc sống phát triển nên người Chăm tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào xây dựng nông nông mới. Hiện làng Chăm có 2 đảng viên và 1 trung kiên; số lượng đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể cũng chiếm khoảng 800 người.
Điều bà con phấn khởi và tự hào đó là nhiều con cháu trong làng sau khi học ra trường cũng về địa phương để công tác phục vụ, cụ thể là có 2 cán bộ y tế và 4 giáo viên. Đồng thời cũng có nhiều hộ dân trước kia rời khỏi làng đi lập nghiệp nơi khác nay đã trở về hoặc những người từ TP.Hồ Chí Minh cũng về đây sinh sống...
“Nếu như trước kia bà con chỉ quen với tập quán canh tác cây lúa nước, cây hoa màu cho thu nhập rất thấp thì đến nay đã được chuyển đổi sang các cây trồng khác, có hiệu quả kinh tế cao hơn, cụ thể là cây thanh long ruột đỏ” - ông Deer cho hay.
Bà Trần Thị Mai Phương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng cho biết, số lao động nông thôn nhàn rỗi đều tham gia vào các lớp học nghề, sau đó được địa phương giới thiệu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Cũng chính từ kinh tế phát triển nên đời sống văn hóa của bà con cũng được nâng lên rất nhiều. Đội ca múa nhạc của làng Chăm đã được khôi phục và phát triển mạnh, hầu hết các sự kiện văn hóa - văn nghệ trong tỉnh cũng đều được ban tổ chức mời đến biểu diễn.
Bà Phương phấn khởi cho biết thêm: “Vừa qua UBND huyện Xuân Lộc đã thực hiện chuyến khảo sát thực tế để đưa làng Chăm vào danh sách các điểm đến cho khách du lịch tham quan địa phương”.
Hải Đình