Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng các chế tài xử phạt liên quan đến rượu, bia

10:06, 23/06/2019

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa khép lại với những kết quả đáp ứng kịp thời sự kỳ vọng của người dân. Đáng chú ý là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa khép lại với những kết quả đáp ứng kịp thời sự kỳ vọng của người dân. Đáng chú ý là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống phát biểu tại Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống phát biểu tại Quốc hội

Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông BÙI XUÂN THỐNG, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xung quanh nội dung của luật này.

* Quôc hội vừa thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt trong đó có quy định cấm lái xe khi uống rượu, bia. Là người trực tiếp tham gia kỳ họp, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

12 hành vi bị nghiêm cấm

Trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua có 12 hành vi bị nghiêm cấm như: cấm sử dụng men, cồn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ dưới mọi hình thức đối với mọi rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên; kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu; bán và cho sử dụng rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia…

 

- Luật ban hành xuất phát từ vấn đề tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới, kèm theo đó là các hệ lụy từ việc uống rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất an ninh trật tự xã hội, nhất là tai nạn giao thông. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, việc thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là kết quả từ những ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu sau khi đã nghiên cứu rất kỹ từng vấn đề để luật thật sự mang lại hiệu quả là phòng, chống tác hại do rượu, bia gây nên, góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Một vấn đề nổi bật được dư luận quan tâm đó là quy định cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Quy định này thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm của Quốc hội trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc kinh doanh và sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đem lại sự bình yên cho mọi người trong tham gia giao thông.

* Nhiều người dân cho rằng cần tăng cường các chế tài để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia phát huy tác dụng và đi vào thực tiễn. Ông có đồng ý với quan điểm này? Theo ông, các cơ quan thực thi pháp luật cần làm gì để luật đi vào thực tiễn một cách nghiêm túc, hiệu quả nhất?

- Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào thực tiễn thì việc tăng các chế tài là cần thiết. Đây là giải pháp để đảm bảo sự đồng bộ và nghiêm minh của pháp luật trong việc để luật đi vào cuộc sống và có tính khả thi. Nghị quyết của kỳ họp vừa qua cũng đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát và sửa đổi, bổ sung tăng các chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

* Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng quy định rõ về công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh rượu bia. Theo ông, cần những điều kiện gì để quy định này phát huy hiệu quả của nó?

- Các quy định về quản lý quảng cáo, tài trợ rượu, bia được quy định trong luật được rà soát chặt chẽ để bảo đảm đồng bộ với các quy định khác của pháp luật hiện hành như: Luật Quảng cáo, các quy định về hình thức thương mại điện tử... Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thì tôi thấy rằng ngoài các quy định của pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi nhiêm vụ thì tự người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong vấn đề uống rượu, bia. Vai trò của công tác truyền thông cũng hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến những tác hại của rượu, bia để xã hội và cộng đồng nâng cao nhận thức của mình trong việc tiêu dùng rượu, bia.

 Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Đức Lợi, KP.7, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú:

Đã uống rượu bia thì không lái xe

Theo tôi, việc luật quy định về không lái xe khi đã uống rượu, bia là vấn đề cần được thực hiện nghiêm túc. Qua quy định này sẽ tránh được tình trạng lạm dụng rượu, bia, nhất là trong các buổi tiệc. Mỗi người cần thay đổi hành vi, tránh tình trạng lạm dụng rượu, bia; đồng thời tạo thói quen tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo tôi đã điều khiển phương tiện giao thông thì không nên lái xe là đúng vì chỉ cần có một chút rượu vào là thần kinh con người đã khác. Để thực thi pháp luật tốt hơn tôi cho rằng cần tăng những chế tài về cả tài chính lẫn mức xử phạt khác như: giam giữ phương tiện, giữ bằng lái xe…

Ông Nguyễn Quang Cư, xã Túc Trưng, huyện Định Quán:

Mong luật sớm đi vào cuộc sống

Hiện nay việc lạm dụng rượu, bia trong các cuộc vui như: đám cưới, đám giỗ, họp mặt, thậm chí không có nguyên nhân gì cũng có thể uống rượu, bia. Hậu quả của rượu, bia thì ai cũng biết, nhất là qua các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua. Do đó, tôi cho rằng những quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cần thực hiện nghiêm để có tác dụng răn đe, kiềm chế tai nạn trong xã hội. Không chỉ nguy cơ xảy ra tai nạn do rượu, bia mà nhiều trường hợp lạm dụng rượu, bia còn ảnh hưởng đến sức khỏe vô cùng tai hại.

Ngọc Liên (thực hiện)

Tin xem nhiều
Giá Macallan 18 Sherry Oak nhập khẩuGiá vang 1982 nhập khẩuMua vang chén thánh nhập khẩu cao cấp