Thời gian qua để khắc phục tình trạng vỏ bao, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng vứt ra môi trường gây ô nhiễm, ngành chức năng huyện Thống Nhất đã đầu tư trang bị hàng trăm cống bi. Các cống bi được đặt ở các cánh đồng, tuyến đường đi qua vườn rẫy của người dân nhằm thu gom rác thải nguy hại, xử lý theo quy định, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua để khắc phục tình trạng vỏ bao, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng vứt ra môi trường gây ô nhiễm, ngành chức năng huyện Thống Nhất đã đầu tư trang bị hàng trăm cống bi. Các cống bi được đặt ở các cánh đồng, tuyến đường đi qua vườn rẫy của người dân nhằm thu gom rác thải nguy hại, xử lý theo quy định, bảo vệ môi trường.
Rác tràn ra ngoài, người dân gần các cống bi phải thường xuyên dọn dẹp rác thải sinh hoạt vì không ai thu gom |
Tuy nhiên, thay vì dùng để bỏ các loại rác nguy hại như vỏ bao, chai lọ thuốc BVTV thì người dân lại tận dụng những cống bi này để bỏ rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường.
* Ô nhiễm vì đổ rác không đúng chỗ
Ở một số tuyến đường của các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Quang Trung của huyện Thống Nhất có nhiều cống bi được đặt hai bên đường. Những cống bi này đều cắm bảng bên trên ghi rõ ràng nội dung “Nơi đựng bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng”. Tuy nhiên, thay vì bỏ các loại rác nguy hại như: bao, vỏ thuốc BVTV thì những cống bi này được người dân tận dụng dùng để bỏ rác sinh hoạt. Nhiều chỗ do rác thải sinh hoạt nhiều, chất thành đống, tràn ra xung quanh, lâu ngày không được thu gom trông rất nhếch nhác và gây ô nhiễm môi trường.
Điều đáng nói, do thiếu sự quản lý, ngoài rác sinh hoạt tràn ngập ở các cống bi, những tấm bảng gắn lên trên cũng bị hư hỏng hoặc rơi rụng. “Rác nguy hại không có mà toàn rác thải sinh hoạt gia đình được bỏ vào các cống bi. Không ai thu gom nên rác tràn ra ngoài, bốc mùi hôi thối và trông rất nhếch nhác. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đốt nhưng có những loại rác không cháy mà chỉ thấy bẩn hơn, ô nhiễm hơn” - ông Nguyễn Văn Tuấn (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc) cho hay.
Cùng nỗi bức xúc trên, ông Phan Văn Bính (ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2) cho biết: “Khi thấy cơ quan chức năng cho đặt một cống bi để bỏ các loại chai lọ, thuốc BVTV thì chúng tôi rất vui mừng vì những thứ rác nguy hại này sẽ không còn vứt tràn ra đường. Nhưng chỉ được một thời gian thì khu vực có các cống bi còn ô nhiễm hơn trước do nhiều rác thải sinh hoạt được đổ bừa bãi. Khi thấy có người đến đây đổ rác thải sinh hoạt, tôi cũng nhắc nhở vài lần nhưng xem ra không hiệu quả. Giờ các cống bi trở thành các bãi rác tự phát”.
* Kiểm tra, di dời cống bi đến nơi hợp lý
Một cán bộ xã Bàu Hàm 2 thừa nhận trong thời gian qua một số cống bi trên địa bàn xã dùng để chứa rác thải nguy hại và bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Tuy nhiên, một số người dân lại đem bỏ rác thải sinh hoạt vào đây.
Rác thải sinh hoạt tràn ngập cống bi trên tuyến đường Hưng Nghĩa - Lộ 25, thuộc ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất |
“Thực tế trong thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của rác thải nguy hại để họ bỏ vào các cống bi nhưng nhìn chung chưa hiệu quả. Sắp tới chúng tôi sẽ cho thu gom, đồng thời dán các thông báo không được bỏ rác sinh hoạt vào các cống bi mà phải bỏ các loại rác nguy hại và các loại vỏ, bao bì thuốc BVTV” - cán bộ xã Bàu Hàm 2 cho hay.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất cho biết, nhằm thu gom, xử lý đúng theo quy định bảo vệ môi trường, không để chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV sau khi sử dụng vứt vương vãi, các đơn vị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Phòng Tài nguyên - môi trường, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã đầu tư hàng trăm cống bi cho 6 xã trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Thời gian qua, Phòng Tài nguyên - môi trường cũng đã nhận được phản ảnh về tình trạng rác sinh hoạt được người dân mang bỏ vào các cống bi. Sau khi đặt các cống bi, huyện đã bàn giao cho các xã quản lý nên các xã phải có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con thu gom rác thải nguy hại đúng nơi quy định.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ khảo sát lại. Nơi nào bố trí chưa hợp lý thì di dời cống bi về nơi phù hợp để phát huy hiệu quả và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con” - cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất cho hay.
Bình Tâm