Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma túy

10:06, 05/06/2019

Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ án nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân là do kẻ gây án đã sử dụng ma túy nên bị ảo giác, dẫn đến chỗ không kiểm soát được hành vi của bản thân…

Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ án nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân là do kẻ gây án đã sử dụng ma túy nên bị ảo giác, dẫn đến chỗ không kiểm soát được hành vi của bản thân…

Chăm sóc sức khỏe học viên khi mới vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Duy Đỗ
Chăm sóc sức khỏe học viên khi mới vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Duy Đỗ

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) hiện đang điều trị cai nghiện ma túy cho 792 học viên (22 nữ) với thời gian học tập từ 18-24 tháng. Trong đó có 26 học viên tự nguyện, còn lại thuộc diện cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân các huyện, thành phố ra quyết định xử lý.

* Chập chờn bóng… “ma”

Trần Tiên S. (ngụ phường Xuân Tân, TP.Long Khánh) dù mới 32 tuổi nhưng đã có 13 năm nghiện ma túy. S. kể, học xong lớp 10 thì nghỉ về TP.Hồ Chí Minh học nghề cắt tóc, sau đó có việc làm tương đối ổn định. Trong một lần về Long Khánh, S. gặp 2 người bạn và bị rủ thử heroin. Sau lần ấy S. nghiện ma túy khi nào không biết, tiền làm được bao nhiêu đều “đốt” hết vào heroin. Năm 2009 S. lập gia đình, nhưng chỉ 2 năm sau khi sinh bé trai thì vợ dứt khoát ly dị vì không thể chung sống lâu dài với người chồng nghiện ngập.

Theo bác sĩ Chu Văn Phương, người có hơn 21 năm công tác ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, cho biết người nghiện ma túy sẽ bị ức chế hô hấp, ảnh hưởng tới tim, mạch, nhất là khi dùng quá liều. Đối với hệ thần kinh, người sử dụng ma túy dạng đá thường bị rối loạn tâm thần, thoái hóa nhân cách, không kiểm soát được hành vi, sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật. Các loại ma túy tổng hợp còn làm thần kinh luôn bị kích động, hoang tưởng, ảo giác mạnh nên thường phát sinh gây gổ, đánh nhau, thậm chí tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát. Khi bị ngộ độc cấp (còn gọi là ngáo), người sử dụng ma túy đá có biểu hiện la hét, trèo lên cao, nhảy múa lung tung; nhìn người khác tưởng là ma quỷ, tưởng bị ai đó truy hại, giết mình cho nên ra tay tấn công, thậm chí giết người…

Cuối năm 2011 S. bị đưa vào Trung tâm giáo dục - lao động - xã hội Đồng Nai (tên cũ của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai bây giờ). Sau 18 tháng trong môi trường giáo dục, S. được về với gia đình, phụ giúp cha mẹ làm nông. Tuy nhiên, cái bóng “ma” của ma túy dường như lúc nào cũng lởn vởn trong đầu nên sau thời gian ngắn S. nghiện lại song lần này là ma túy tổng hợp (còn gọi là ma túy đá). 

Tháng 9-2018 S. phải quay vào nơi đã từng dạy dỗ mình dạo trước. S. không khỏi rùng mình khi nhớ lại lúc nghiện “hàng đá”, hầu như anh không ngủ cả tuần, thậm chí nhịn ăn 2-3 ngày vẫn không sao. Đây là tình trạng chung của những người sử dụng ma túy đá khiến sức khỏe ai cũng suy kiệt, tinh thần đờ đẫn. S. thừa nhận bản thân cũng từng bị “ngáo đá”.

Trong một lần sau khi hút hàng “đá” về khuya, S. ghé vào một quán nhậu bên vệ đường thì thấy một anh công an đang ngồi ăn tối. S. nghĩ thể nào lát nữa mình cũng bị bắt nên chạy ngay vào bếp tính lấy vật gì đó ra tấn công anh công an này trước. Rất may gia đình chủ quán phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

S. thổ lộ, biểu hiện giống nhau của người chơi ma túy đá rất nguy hiểm: hoang tưởng, đôi mắt như quái thú, miệng lảm nhảm, nhìn người khác tưởng là kẻ thù sẽ làm hại mình. Vì bản thân không làm chủ được hành vi nên khi đối diện với người xung quanh, kể cả cha mẹ, anh em thì đối tượng vẫn dễ ra tay tàn độc. Theo S., nếu bắt gặp ai đó có những hành động tương tự thì cần tránh xa, đồng thời báo cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương biết để xử lý.

Cùng nhận định như S., Lê Văn N. (32 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, tạm trú huyện Long Thành), Nguyễn Văn L. (26 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, tạm trú huyện Vĩnh Cửu), Phạm Thị Ngọc A. (24 tuổi, nhà ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) đến với ma túy trong hoàn cảnh khác nhau, song lại có điểm chung khi đã nghiện nặng: sống vật vờ như cái bóng “ma” bởi hằng ngày lệ thuộc vào chất gây nghiện.

* Thiếu quyết tâm sẽ khó hòa nhập cộng đồng

Giờ đây, ở trong môi trường học tập nghiêm túc, những người đã từng sử dụng ma túy đều hối tiếc về sự lầm lỡ của mình. Thế nhưng, khi nghe hỏi nếu được về hòa nhập cộng đồng có thể đoạn tuyệt được ma túy không, thì cả S., N., L., A. đều trả lời rằng rất muốn có cuộc sống yên ổn, tập trung làm việc lo cho gia đình. Nhưng điều này không dễ, vì môi trường sống hiện nay diễn biến phức tạp, ranh giới của người muốn hoàn lương với “bóng ma” ma túy là khoảng cách rất mong manh.

Học viên tham gia trồng rau xanh
Học viên tham gia trồng rau xanh

Theo Lê Văn N., muốn đoạn tuyệt được ma túy chỉ còn cách rời bỏ chỗ ở cũ, lánh xa “chiến hữu” hoàn toàn thì mới mong làm lại cuộc đời. Còn Nguyễn Văn L. chia sẻ, những người sử dụng ma túy đều muốn tránh xa thứ chất gây hại này song cứ hễ nhìn thấy nó là đầu óc lại chao đảo, quay cuồng và cuối cùng muốn… làm bạn với nó.

Riêng Ngọc A. thì khóc nức nở, cho rằng chuyện xây dựng tương lai hạnh phúc nghe sao xa vời vì… “gần mực thì đen”. A. có nghề xăm hình nghệ thuật, thường xuyên gặp những thành phần có một quá khứ không mấy tốt. Trước khi vào cơ sở cai nghiện, A. từng “sống thử” với bạn trai, xung quanh rất đông bạn bè thuộc dạng hư hỏng, xăm trổ khắp người và cả nhóm đều nghiện ma túy.  

Nói về chương trình học tập ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Hồ Trí Lịch cho biết phần lớn học viên còn rất trẻ nhưng đã sớm làm hỏng cuộc đời khi vướng vào ma túy. Thành phần này không dễ cảm hóa ngay, nhưng qua thời gian ai cũng thích nghi với cuộc sống không ma túy. Khi tiếp nhận học viên, bác sĩ và nhân viên y tế theo dõi, cắt cơn nghiện, giải độc cho từng người trong vòng 7-15 ngày; tiếp đến được phục hồi sức khỏe bằng thuốc bổ, dịch truyền.

Lúc cơ thể đã tương đối khỏe, thần kinh ổn định, học viên phải học những vấn đề về tác hại của ma túy và các quy định của pháp luật; được chọn nghề học theo khả năng mỗi người như: công nghệ ô tô, tiện, điện dân dụng, điện công nghiệp; may công nghiệp, trồng trọt…; buổi sáng học viên phải tập thể dục nhằm rèn luyện thân thể, buổi chiều và tối vui chơi giải trí. Nói cách khác, học viên ai cũng có phần việc nhất định để không có nhiều thời gian rảnh rỗi ngồi mơ tưởng, đếm từng ngày được ra khỏi nơi điều trị. 

Về tình hình tái nghiện, trong năm 2019 số trường hợp bị đưa vào lại cơ sở điều trị ma túy lần hai chỉ có 81 người (hơn 10% trong tổng số học viên năm 2018). Tuy nhiên, theo ông Lịch, con số này không phản ánh đầy đủ thực tại của “thế giới ngầm” ma túy. Thực ra, nhiều người khi được về gia đình, chỉ ít ngày sau lại vắng bóng ở địa phương nên chính quyền không quản lý được. Nguyên nhân là dù đã cai nghiện ma túy nhưng với quá khứ như thế thì đối tượng này không dễ tìm được việc làm, trong khi tư tưởng luôn mặc cảm vì bị xã hội xa lánh, gia đình ruồng rẫy. Chính vì vậy, nếu thiếu sự quyết tâm cao của cả cộng đồng xã hội, gia đình và người nghiện thì mục tiêu của UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch cai nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy năm 2019 trên địa bàn tỉnh khó đạt hiệu quả.

Duy Đỗ

Tin xem nhiều