Trong dự thảo lần 2, Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) đã đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu ở cả nam và nữ bắt đầu từ năm 2021. Cụ thể là tuổi lao động nữ sẽ được nâng từ 55 lên 60 tuổi và lao động nam từ 60 lên 62 tuổi.
Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh |
Trong dự thảo lần 2, Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) đã đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu ở cả nam và nữ bắt đầu từ năm 2021. Cụ thể là tuổi lao động nữ sẽ được nâng từ 55 lên 60 tuổi và lao động nam từ 60 lên 62 tuổi.
Vấn đề này đang nhận được quan tâm lớn của người lao động (NLĐ), bởi việc nâng tuổi hưu sẽ có những ảnh hưởng, tác động lớn đến NLĐ và thị trường lao động. Ông HUỲNH VĂN TỊNH, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho hay, trong xu thế toàn cầu hóa, trong điều kiện tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên, nhu cầu cân đối và ổn định lực lượng lao động trong tình trạng dân số Việt Nam đang già hóa... thì việc điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết.
* Bộ LĐ-TBXH đang đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ và từ 60 lên 62 tuổi đối với nam. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?
- Tôi thống nhất với quan điểm của Bộ LĐ-TBXH và Chính phủ về đề xuất này. Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62 và nữ lên 60 nhằm mục đích bảo đảm với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi của NLĐ Việt Nam. Bởi, quy mô, cơ cấu dân số Việt Nam đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đang giảm do quá trình già hóa dân số, trong khi tỷ lệ người phụ thuộc đang tăng lên.
Mặt khác, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng tăng lên, đặc biệt trong xu hướng toàn cầu hóa, tuổi nghỉ hưu của NLĐ nhiều nước cũng đã tăng lên, do đó Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp với thế giới. Tại nhiều quốc gia, tuổi nghỉ hưu của nữ và nam cũng là 60 và 62. Nhiều quốc gia còn lên tới 67 tuổi. Việc nâng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời bảo đảm có đủ, cân đối, ổn định lực lượng lao động.
* Có ý kiến cho rằng, nhiều lao động trẻ đang thất nghiệp, thậm chí là sinh viên đại học ra trường không kiếm được việc làm. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ xuất hiện tình trạng: người trẻ khỏe không có việc làm, còn người già yếu vẫn phải làm việc với năng suất không cao... Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Trước đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến cũng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cơ hội làm việc của lao động trẻ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH, hiện tỷ lệ thất nghiệp này đang có xu hướng giảm dần, thị trường lao động vẫn tiếp tục nhận các lao động trẻ. Tôi cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của lao động trẻ. Bởi người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm, tích lũy cho nền kinh tế và có cơ hội đầu tư trở lại thì lại tạo ra nhiều việc làm và đây là cơ hội cho lao động trẻ.
Người lao động sẽ được điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu trong thời gian tới . Trong ảnh: Công nhân lao động trong bữa ăn giữa ca |
* Nếu đề xuất trên được Quốc hội thông qua, theo ông việc tăng tuổi nghỉ hưu nên có lộ trình thế nào là hợp lý nhất?
- Theo tôi biết, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động ở Việt Nam thời gian gần đây tăng chậm cả về số lượng lẫn tỷ lệ với chỉ khoảng 55 triệu lao động (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018). Vì thế, với lực lượng lao động không dồi dào này, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số. Cho nên việc nâng tuổi nghỉ hưu là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nên được điều chỉnh dần dần không chỉ cho NLĐ và doanh nghiệp thích nghi, mà còn cần cho cả thị trường lao động.
Tôi nhất trí với 2 phương án của Bộ LĐ-TBXH đề xuất, nhưng nếu lao động nữ đủ 55 tuổi và nam đủ 60 tuổi, đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ theo quy định, muốn nghỉ nên được giải quyết. Nếu lao động vẫn muốn làm việc, nên có chính sách hỗ trợ: chuyển đổi, bố trí công việc phù hợp, cải thiện môi trường lao động, điều kiện làm việc, tăng chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe người, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp...
Xin cảm ơn ông!
Bộ LĐ-TBXH đề xuất 2 phương án: Phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Một số trường hợp đặc biệt, NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Đồng thời, NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi. |
Phương Liễu (thực hiện)