Làm sao để bảo vệ căn nhà của mình được an toàn, đảm bảo các quyền lợi chính đáng khi công trình xây dựng nhà hàng xóm gây ảnh hưởng đến nhà mình? Đó là thắc mắc của nhiều cư dân ở những khu vực có mật độ dân cư đông đúc.
Làm sao để bảo vệ căn nhà của mình được an toàn, đảm bảo các quyền lợi chính đáng khi công trình xây dựng nhà hàng xóm gây ảnh hưởng đến nhà mình? Đó là thắc mắc của nhiều cư dân ở những khu vực có mật độ dân cư đông đúc.
Nhà bà T.L. bị ảnh hưởng từ công trình xây dựng nhà của ông T.N. (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu |
Ở TP.Biên Hòa, phần lớn các căn nhà đều xây dựng liền kề nhau nên khi nhà này xây dựng thì các căn kế bên ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Hư hại thường thấy khi các căn nhà liền kề xây dựng là tường nhà bên bị nứt, thấm nước hoặc nền nhà bị sụp… nặng hơn nữa có thể bị nghiêng do móng bị tác động mạnh.
* Bất an khi hàng xóm xây nhà
Phản ảnh đến Báo Đồng Nai, bà T.L. (KP.2, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), trình bày từ tháng 2 đến nay tính từ thời điểm nhà ông T.N. sát vách nhà bà thi công xây dựng nhà mới, cả nhà bà L. phải “chịu trận” nhiều nhất.
Theo bà L., ngoài bụi bặm và tiếng ồn phát ra từ công trình nhà kế bên do thi công không che chắn ra thì nhà bà thường xuyên bị hứng xà bần từ công trình đổ xuống. Đáng kể là kết cấu căn nhà bà L. có khả năng bị ảnh hưởng. “Khi đổ móng, đổ cột nhà của ông N. đã làm tường nhà tôi bị nứt, gạch tường bị vỡ. Tôi đã sang làm việc và yêu cầu chủ thầu ngưng thi công, khắc phục hậu quả như họ phớt lờ ” - bà L. kể.
Bức xúc trước tình trạng trên, bà L. đã gửi đơn khắp nơi nhờ can thiệp. Trao đổi về hướng giải quyết vụ việc trên, ông Trần Thiện Căn, Chủ tịch UBND phường Tân Biên cho biết, khi nhận được phản ảnh của bà L., UBND phường đã mời 2 gia đình lên hòa giải. Tại biên bản làm việc ngày 10-4, ông N. đồng ý khắc phục những tổn hại do quá trình thi công nhà gây ra đối với gia đình bà L. Thế nhưng, mới đây bà L. lại tiếp tục gửi đơn vì cho rằng ông N. chỉ hứa mà chưa thực hiện. Phường Tân Biên sẽ chủ trì hòa giải tiếp để các bên cùng thống nhất được phương án giải quyết tốt nhất, tránh khiếu kiện kéo dài và ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.
Ông Căn cho biết thêm, UBND phường đã giải quyết rất nhiều vụ việc tương tự, đối với những căn nhà cấp 4 cũ, khi nhà liền kề xây dựng kiên cố thì ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Vụ việc tranh chấp sẽ phức tạp, khó giải quyết khi các bên đã có mâu thuẫn với nhau từ trước. Cũng có trường hợp chủ nhà lợi dụng việc bị hư hại từ công trình kế cận để đòi bồi thường nhiều hoặc đặt ra những yêu cầu quá đáng. Ngược lại cũng có khi chủ công trình đã làm hư nhà người khác không chịu bồi thường mà còn thách thức hàng xóm đi thưa kiện... “Phường chỉ có chức năng hòa giải nên luôn cố gắng dung hòa lợi ích của hai bên. Nhưng nếu các bên không thể thống nhất được phương án giải quyết thì chỉ còn cách nhờ tòa án giải quyết” - ông Căn nói.
* Nên làm gì?
Để các vụ việc tranh chấp được giải quyết thuận lợi, ông Võ Văn Tư, Tổ trưởng tổ xây dựng Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết, theo quy định các công trình thi công đều phải ký cam kết đảm bảo an toàn đối với nhà ở, công trình liền kề. Bản cam kết được kẹp trong hồ sơ xin phép xây dựng, là cơ sở giải quyết khi phát sinh khiếu nại.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh, muốn tránh những xích mích không đáng có với hàng xóm cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng khi thưa kiện ra tòa thì trước khi xây dựng chủ nhà phải cùng đơn vị thi công khảo sát các nhà liền kề, lập biên bản về hiện trạng, chụp ảnh tường, trần, sàn… để làm căn cứ đối chiếu về sau. Nếu thấy nhà hàng xóm chuẩn bị thi công, các hộ lân cận cũng cần chủ động đề nghị thực hiện động tác này. Các bên liên quan có thể mời cơ quan chức năng lập vi bằng. “Các hình ảnh ghi nhận được xem là căn cứ xác định mức độ hư hỏng và trách nhiệm của các bên trong xử lý nếu phát sinh tranh chấp, khiếu kiện” - ông Định nói.
Ngoài những lưu ý nêu trên, ông Nguyễn Thanh Liêm, kỹ sư xây dựng (ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) cho rằng, khi biết nhà hàng xóm chuẩn bị xây dựng trước tiên chủ nhà kế bên nên chủ động đề nghị chủ thầu thực hiện xác định ranh mốc trước khi thi công. Trong quá trình xây dựng cần che chắn công trình tránh để vật liệu rơi rớt sang nhà mình, thực hiện các giải pháp an toàn, vệ sinh và các giải pháp chống nghiêng, chống sập. Đồng thời, các chủ nhà cũng nên theo sát quá trình thi công của nhà bên cạnh. Nếu phát hiện nhà mình có vết nứt, thấm, sụt lún nền, phải báo ngay với chủ công trình nhà thầu nhà đang xây để có biện pháp khắc phục phù hợp. Trường hợp mức độ hư hại nặng thì buộc bên thi công phải tạm ngừng để tìm giải pháp an toàn.
Kim Liễu