Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra, cướp đi tính mạng của nhiều người có nguyên nhân từ việc người sử dụng phương tiện uống rượu bia...
Phó trưởng ban chuyên trách, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Bôn |
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra, cướp đi tính mạng của nhiều người có nguyên nhân từ việc người sử dụng phương tiện uống rượu bia. Dù mức xử phạt hiện hành đối với hành vi này khá cao, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế TNGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Chính phủ tăng mức xử phạt đối với hành vi này lên gấp 2-4 lần. Ông NGUYỄN BÔN, Phó trưởng ban chuyên trách, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho hay với mức phạt rất cao, người vi phạm bị xử phạt một lần sẽ không dám để bị phạt lần sau.
* Xin ông cho biết những nguy cơ gây mất ATGT do người tham gia giao thông đã uống rượu bia?
- Hành vi người điều khiển phương tiện khi đã có rượu bia được Luật Giao thông đường bộ cũng như Nghị định 46/CP quy định xử lý vi phạm. Trong thực tế, người đã uống rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông thường có phản ứng chậm với những tình huống bất ngờ, đột ngột; các cơ quan vận động như chân, tay phối hợp kém, phối hợp thiếu chuẩn xác; giảm mức độ tập trung, tầm nhìn hạn chế và các phán đoán thiếu nhanh nhạy, chuẩn xác... Đặc biệt là khi có rượu bia, người điều khiển phương tiện dễ bị kích động, cho xe chạy với tốc độ cao. Khi đối mặt với những tình huống khách quan và cả chủ quan, người đã uống rượu bia thường không làm chủ được tay lái và dễ gây ra tai nạn. Người tham gia giao thông cần ý thức được, ngoài việc bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân, còn phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản người khác.
* Theo ông, ý thức người dân đối với việc tuân thủ các quy định này như thế nào? Ông có đánh giá gì về vấn đề này tại Đồng Nai?
Theo thông tin từ Ban ATGT, năm 2018 trên địa bàn cả nước, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 91 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xử lý gần 50 ngàn trường hợp. Tại Đồng Nai, năm 2018 ngành chức năng đã xử phạt hơn 8 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. |
- Chúng tôi chưa có những cuộc khảo sát hay điều tra xã hội học nên chưa có số liệu chính xác, nhưng trong cuộc họp tổng kết công tác ATGT do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia có đưa ra kết quả điều tra, khảo sát vấn đề này tại Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước. Theo đó, có khoảng 70-74% người dân đến các điểm ăn uống, nhậu nhẹt nhưng vẫn điều khiển phương tiện cá nhân ra về. Điều này cho thấy ý thức của người dân về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe” chưa cao.
Tại Đồng Nai, nhất là ở TP.Biên Hòa chiều tối có rất nhiều hàng ăn, quán nhậu, người đến ăn uống rất đông, nhưng rất ít người đi bằng taxi đến và về, chủ yếu vẫn sử dụng phương tiện cá nhân. Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao.
* Nghị định 46/CP quy định mức xử phạt đối với hành vi trên khá cao, nhưng mức đề xuất còn cao hơn rất nhiều. Theo ông, cưỡng chế giảm TNGT bằng việc đánh vào kinh tế có khả thi?
- Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia và các chất kích thích cướp đi tính mạng của nhiều người, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 46, trong đó tăng mức xử phạt lên, nhằm răn đe phòng ngừa chung đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện có uống rượu bia gây TNGT hoặc bị phát hiện có uống rượu bia dù chưa gây tai nạn.
Theo đề xuất của Tổng cục đường bộ, đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3 - vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở), mức xử lý phạt tiền sẽ là 34-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng, tăng tiền phạt lên gấp đôi và tăng thời gian tước giấy phép lái xe lên gấp 5 lần so với mức xử phạt hiện hành. Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2 - nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở), mức phạt từ 18-20 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 14-18 tháng, tăng từ 2-4 lần so với mức xử phạt hiện hành. Đối với người điều khiển xe máy, mức đề xuất cũng tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng, tăng mức phạt tiền gấp đôi nhưng thời hạn tước giấy phép lái xe tăng gấp 5-7 lần. |
Nghị định 46/CP xử phạt hành vi này khá cao, nhưng mức xử phạt đề xuất lần này của Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn cao hơn nhiều, nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra tai nạn đáng tiếc. Nếu so sánh mức phạt cao như vậy với việc thuê taxi để đi ăn uống, nhậu nhẹt thì còn rất rẻ; nếu để xảy ra tai nạn phải xử lý hình sự thì hậu quả còn nặng nề hơn rất nhiều, chưa kể còn những hệ lụy khác đeo đẳng như bị thương tích phải điều trị lâu dài, mang thương tật suốt đời hoặc tử vong. Thực tế, cơ quan chức năng không phải chỉ chăm chăm phạt tiền, vì đó mới là xử lý “phần ngọn”. Cái “gốc” của vấn đề là cần kiểm soát bằng pháp luật để người tham gia giao thông khi nghĩ đến hình phạt, chế tài, bị tước giấy phép lái xe... sẽ không dám vi phạm.
Hiện nay nghị định đang dự thảo và sớm hoàn chỉnh để lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 46, song khả năng các bộ, ngành cũng sẽ thống nhất cao với đề xuất này, vì thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người một lúc do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia và chất kích thích.
* Để pháp luật đến với mỗi người dân, theo ông Ban ATGT cũng như ngành giao thông - vận tải cần có những giải pháp nào?
- Đối với vấn đề người tham gia giao thông sử dụng rượu bia thì biện pháp đầu tiên là thực hiện công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông hiểu, nắm được các quy định về xử phạt mà phòng ngừa.
Người sử dụng ô tô tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia theo đề xuất mức xử phạt lên đến 80 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 năm. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn một tài xế ô tô. Ảnh: Thanh Hải |
Song song với công tác tuyên truyền là tăng cường thực hiện cưỡng chế xử lý vi phạm. Hiện Công an tỉnh và Sở Giao thông - vận tải đang có phối hợp liên ngành trong tổ chức xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ, kể cả các tuyến đường tỉnh và huyện. Hy vọng, với mức xử phạt cao, giám sát chặt của cơ quan chức năng, người dân sẽ ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)