Khi đi qua những tuyến đường bị ngập nước, ngoài việc di chuyển khó khăn, người đi đường còn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khác khi lái xe như: xe chết máy, bị hỏng, sập "ổ gà", "ổ voi", thậm chí có thể bị nước cuốn trôi cả người lẫn xe nếu đi qua những đoạn đường không an toàn…
Khi đi qua những tuyến đường bị ngập nước, ngoài việc di chuyển khó khăn, người đi đường còn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khác khi lái xe như: xe chết máy, bị hỏng, sập “ổ gà”, “ổ voi”, thậm chí có thể bị nước cuốn trôi cả người lẫn xe nếu đi qua những đoạn đường không an toàn…
Quốc lộ 51 đoạn qua phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa bị ngập sau cơn mưa chiều tối 8-5 |
Từ vụ 2 em học sinh ở TP.Biên Hòa bị nước cuốn trôi khi đi xe máy qua đoạn đường ven suối Bà Lúa (KP.1, phường Long Bình Tân) cho thấy, việc trang bị kỹ năng khi di chuyển qua các con đường thường xuyên ngập nước sau mưa không bao giờ là thừa.
* Những điểm thường xuyên ngập
Dù đã triển khai nhiều dự án chống ngập, nhưng tình trạng ngập cục bộ sau các cơn mưa vẫn diễn ra ở một số tuyến đường tại TP.Biên Hòa gây cản trở cho người tham gia giao thông.
Ghi nhận của phóng viên sau những cơn mùa đầu mùa ở TP.Biên Hòa cho thấy còn nhiều tuyến đường thường bị ngập cục bộ sau mưa như đường Đồng Khởi đoạn trước trụ sở Công an phường Tân Hiệp, nước dồn từ vùng cao xuống khiến nước tuôn cuồn cuộn, tạo thành dòng chảy xiết, người và phương tiện rất khó khăn khi di chuyển qua đây.
Cơn mưa lớn ngày 2-5, điểm ngập nặng nhất là khu vực quốc lộ 1, đoạn qua phường Tân Biên và phường Hố Nai. Có nơi ngập sâu gần cả mét khiến xe cộ khó lưu thông, xe ô tô, xe máy chết máy trên đường do bị ngập nước, dẫn đến dòng xe ùn tắc kéo dài thậm chí có xe máy còn bị trôi khi cố vượt qua dòng nước chảy mạnh.
Ngoài ra, trên quốc lộ 51 (đoạn qua phường Long Bình Tân, xã An Hòa), Bùi Văn Hòa, Võ Nguyên Giáp (gần vòng xoay Cổng 11)… cũng hay bị ngập nặng khiến việc di chuyển của các phương tiện hết sức khó khăn. Tình trạng giao thông ùn tắc, công nhân tan sở, học sinh từ trường về phải bì bõm lội nước dắt xe thường hay xảy ra khi trời mưa.
Đáng nói là cơn mưa chiều 8-5 vừa qua đã gây ngập tại khu vực trên. Trong đó tại KP.1, phường Long Bình Tân, nước từ thượng nguồn suối Bà Lúa đổ về nhiều tuyến đường nội ô, nhà dân bị ngập. Lúc này, 2 học sinh cùng một người đàn ông đi trên 2 xe máy qua đoạn đường ven suối Bà Lúa thì không may bị nước cuốn trôi cả người lẫn xe xuống suối. Người đàn ông bị trôi chừng 100m bám vào cành cây bên đường, được người dân cứu lên, còn 2 nam sinh tử vong.
* Lưu ý khi di chuyển
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trong mùa mưa, ông Võ Thành Lê Phương, Tổ giao thông Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết, trước mỗi mùa mưa lũ, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã tăng cường rà soát, cảnh báo những khu vực nguy hiểm cho người dân được biết, đặc biệt là tại những cây cầu, đường dân sinh chưa có lan can. “Do vậy người đi đường nên chú ý xem thông tin trên biển báo, làm theo sự hướng dẫn của lực lượng hỗ trợ người đi đường ở các phường, xã khi đi qua những đoạn đường ngập nước” - ông Phương nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm đi đường mỗi khi trời mưa, ông Trần Văn Thanh, chạy xe ôm tại đường Đồng Khởi (phường Tam Hòa) cho rằng gặp đường ngập nước tốt nhất nên tránh và đổi hướng đi để tránh những “bẫy ẩn” bị bao phủ bởi nước. Nếu không thể đổi hướng thì phải hết sức cẩn trọng, quan sát xem những người khác có lái xe qua chỗ ngập một cách an toàn hay không rồi mới quyết định nên đi tiếp không. Trường hợp mực nước có thể ngập ống xả xe của mình thì nên kiếm nơi cao ráo ven đường đứng chờ nước rút. Khi thấy mực nước đủ an toàn để đi qua, tài xế nên đi theo dòng xe đi trước, lưu ý không nên đi song song với ô tô vì rất dễ bị ngã do sóng nước từ những chiếc xe 4 bánh di chuyển nhanh…
Ngoài lo ngại về tai nạn thì việc xe bị hỏng khi lội nước là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Phước Hưng, Trưởng kỹ thuật cửa hàng Honda trên đường Hà Huy Giáp (Công ty xuất nhập khẩu Biên Hòa BIHIMEX) chia sẻ, khi đi qua vùng ngập nước xe sẽ bị tắt máy. Nguyên nhân do nước vào động cơ, vào bộ lọc gió hoặc nước vào ống xả. Do vậy, khi đi vào đường ngập nước, người lái nên giữ ga cao để cho động cơ hoạt động liên tục. Khi cần hãm xe lại không nên hạ ga mà dùng phanh. Sau khi qua vùng ngập nước cần đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng xe để kiểm tra lại các chi tiết, vô dầu mỡ, lau chùi bugi, vệ sinh lọc gió.
“Trường hợp xe bị tắt máy trong vùng ngập nước thì không khởi động lại xe vì nếu cố khởi động lại nước có thể vào động cơ gây hư xe. Nên đẩy qua hết vùng ngập, sau đó tìm một điểm cao nào đó dốc ngược ống bô cho nước thoát ra ngoài; đồng thời mở bugi, lọc gió ra làm khô, kiểm tra xem nước có vào động cơ hay không sau đó mới nổ máy” - ông Hưng hướng dẫn.
Cách mặc áo mưa an toàn khi đi xe máy: Đã có nhiều tai nạn xảy ra cho người mặc áo mưa khi đi xe máy do áo bị gió tốc lên che mặt, áo mưa cuốn vào bánh xe… Để tránh những tai nạn đáng tiếc, theo kinh nghiệm của nhiều người thì người mặc nên chọn loại áo mưa phù hợp, mặc áo mưa thật gọn gàng, không làm che gương, đèn xi nhan. Người lái xe không nên cho áo mưa phủ qua tay lái vì có thể gây vướng víu, gặp gió to rất dễ gặp sự cố. Không nên phủ áo mưa lên đầu xe vì sẽ che đi gương chiếu hậu, khiến bạn không thể quan sát phía sau. Nên ngồi đè lên vạt sau của áo mưa để vạt áo không quấn vào bánh xe sau gây ngã… Trong trường hợp chở trẻ nhỏ nên cho trẻ mặc bộ đồ đi mưa riêng rồi thắt đai an toàn sẽ an toàn hơn. |
Kim Liễu