Trẻ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột…đang là những nguy cơ khiến cả xã hội nhức nhối. Để hạn chế và bảo vệ trẻ, thời gian qua có khá nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tư vấn, nhằm bảo vệ trẻ em được thành lập...
Trẻ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột… đang là những nguy cơ khiến cả xã hội nhức nhối. Để hạn chế và bảo vệ trẻ, thời gian qua có khá nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tư vấn nhằm bảo vệ trẻ em được thành lập, mang lại hiệu quả tích cực.
Chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh về chống xâm hại tình dục tại Khu du lịch Bửu Long, TP.Biên Hòa. Ảnh: Công Nghĩa |
Tại Đồng Nai, ngoài những thông tin tiếp nhận từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, những kênh tiếp nhận, tư vấn bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại cũng được thiết lập tại các địa phương.
* Nâng cao kiến thức về bảo vệ trẻ em
Sau gần 2 năm Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực, đến nay công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn Đồng Nai đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trước thực trạng trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại, bạo hành ngày càng phức tạp thì việc tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về trẻ em, cách nhận diện các hành vi trên cũng như thông báo rộng rãi các kênh tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại là rất cần thiết. Bởi, thực tế vẫn còn một số phụ huynh khá thờ ơ trong việc giáo dục, bảo vệ trẻ, đặc biệt là sự e dè, ngại ngùng, không kịp thời trong tố cáo những người có hành vi sàm sỡ, xâm hại con em mình…
Điều đáng nói là một số phụ huynh hiện vẫn còn mơ hồ trong việc nhận diện những hành vi xâm hại trẻ em, nhất là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi còn hạn chế về tiếp cận thông tin truyền thông.
Theo TS.Vũ Thiện Toàn, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thường tập trung ở 2 lứa tuổi: từ 5-8 tuổi và 13-15 tuổi. Do đó, cần có phương pháp dạy riêng đối với từng đối tượng. Theo đó, trẻ từ 5-8 tuổi sẽ được dạy cách nhận diện hành vi ban đầu. Đối với trẻ từ 13-15 tuổi sẽ tăng cường giáo dục giới tính, cách nhận diện tình bạn và tình yêu để trẻ có sự nhìn nhận đúng đắn nhất. Ngoài ra, để trẻ em được bảo vệ tốt nhất thì trước tiên gia đình phải là môi trường tốt nhất, các em cần được quan tâm, gần gũi, chia sẻ từ các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, cần có sự nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em. |
Cụ thể như xã La Ngà (huyện Định Quán) là một trong những địa phương có các khu vực còn hạn chế trong tiếp cận các thông tin liên quan đến trẻ em nên việc tuyên truyền các thông tin liên quan đến bảo vệ trẻ em luôn được chính quyền nơi đây chú trọng.
Ông Cao Văn Toan, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà cho biết, trên địa bàn xã hiện có trên 3,7 ngàn trẻ em từ 0-16 tuổi, trong đó có trên 2,2 ngàn trẻ từ 6-16 tuổi. Hằng năm, xã chủ động phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành của huyện, tỉnh tổ chức các cuộc nói chuyện, tư vấn về công tác trẻ em, cũng như cách phòng chống lạm dụng, xâm hại trẻ em, đặc biệt ưu tiên tổ chức tại những ấp vùng sâu, xa, ấp có đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao ý thức cho người dân.
“Trước năm 2016, địa phương còn xảy ra tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em. Sau thời gian tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em thì từ năm 2016 đến nay, các vụ vi phạm liên quan đến trẻ em giảm dần, không ghi nhận tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục. Riêng vấn đề bạo hành tuy còn xảy ra nhưng không nghiêm trọng như trước đây. Mỗi ấp trên địa bàn xã La Ngà đều có câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc và phát triển bền vững.
* Nhiều kênh tiếp nhận thông tin về trẻ em
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện toàn tỉnh có 96 điểm cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, trong đó có 84 điểm cấp xã, 11 điểm cấp huyện và 1 điểm cấp tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, các điểm trên đã hỗ trợ tư vấn trên 2,2 ngàn lượt trẻ em liên quan đến các vấn đề về thủ tục hành chính, học tập… Ngoài ra, trên 20 trường hợp trẻ bị bạo lực, vi phạm quyền trẻ em do Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chuyển về đã được cơ quan chức năng kịp thời can thiệp, trợ giúp các em ổn định cuộc sống.
Là người đã và đang gắn bó với công tác tập huấn phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn Đồng Nai nhiều năm qua, TS.Vũ Thiện Toàn, chuyên gia về trẻ em, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em Kết Nối (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Qua tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo xã, phường, phụ huynh… của 11 huyện, thị, thành và khoảng 200 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm qua, cho thấy công tác bảo vệ trẻ em đã có sự chuyển biến tốt, tiếp nhận và xử lý thông tin đúng theo quy trình, bảo đảm nghiệp vụ và công tác chuyên môn. Tuy nhiên, công tác phối hợp với các ngành để giải quyết những vụ việc trẻ bị xâm hại hiện còn hạn chế.
Theo TS.Vũ Thiện Toàn, quy trình bảo vệ, hỗ trợ trẻ khi bị xâm hại hiện còn nhiều phụ huynh chưa nắm vững dẫn đến giải quyết của nhiều gia đình chưa được khéo, từ đó ảnh hưởng, tác động đến trẻ em về lâu dài. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn về cách nhận diện, quy trình thực hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em cho các cán bộ, lãnh đạo địa phương, phụ huynh cũng như trẻ em trên địa bàn Đồng Nai” - TS.Vũ Thiện Toàn cho hay.
Khoản 1, Điều 25, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin nêu rõ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc (gọi là nơi tiếp nhận thông tin). Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại theo quy định. |
Minh Quân