Nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng lưu thông ra thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, góp phần làm tăng hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), Đồng Nai đang chuẩn bị triển khai thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện và cấp xã.
Nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng lưu thông ra thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, góp phần làm tăng hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), Đồng Nai đang chuẩn bị triển khai thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện và cấp xã.
Để người dân hiểu rõ hơn về vai trò thanh tra 2 cấp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN HỮU, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, xung quanh vấn đề này.
* Tăng cường lực lượng thanh tra
* Theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg, Chính phủ chủ trương ngoài thanh tra chuyên ngành ATTP cấp tỉnh, sẽ thành lập thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện và cấp xã. Xin ông cho biết vì sao lại phải tăng cường lực lượng thanh tra ở cả 3 cấp, thay vì 1 cấp như hiện nay?
- Thực phẩm là mặt hàng thiết yếu được người dân sử dụng hằng ngày nên tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng là một thực trạng nhức nhối, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hiện nay, công tác thanh tra chuyên ngành ATTP được thực hiện chủ yếu tại các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành là các chi cục thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Công thương (ngoài thanh tra 3 sở), nhưng lực lượng này rất mỏng, lại phải thực hiện theo quy định thanh tra chỉ một lần trong năm đối với các cơ sở, vì thế việc ngăn chặn thực phẩm bẩn và những vi phạm ATTP chưa thật triệt để.
Chính phủ chủ trương thành lập thanh tra ATTP cấp huyện và cấp xã nhằm tăng cường công tác quản lý ATTP. Khi lực lượng thanh tra được phủ khắp tuyến huyện và tuyến xã thì công tác bảo đảm ATTP sẽ có thêm những cánh tay nối dài để quản lý chặt hơn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hơn, trong đó thanh tra tuyến xã giữ một vai trò đặc biệt, bởi đây là lực lượng thường trực, am hiểu và đeo bám địa bàn rất sát.
* Đồng Nai là một trong 9 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp huyện và cấp xã. Xin ông cho biết việc triển khai thí điểm ở Đồng Nai được chuẩn bị như thế nào?
- Theo dự kiến, Đồng Nai sẽ thực hiện thí điểm thanh tra ATTP cấp huyện và cấp xã bắt đầu từ ngày 10-7-2019 và thực hiện trong 1 năm. UBND tỉnh đã chọn 2 địa phương để thực hiện thí điểm là TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó Biên Hòa thí điểm tại 4 xã, phường là Thống Nhất, Long Bình, Quyết Thắng, Tam Phước và huyện Long Thành thực hiện tại các xã Long Đức, Phước Thái và thị trấn Long Thành.
Theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện sẽ phải đáp ứng theo tiêu chuẩn cụ thể và được chọn ra từ các phòng y tế, kinh tế, trung tâm y tế, công an... Thanh tra cấp xã chọn từ trạm y tế, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội, nông nghiệp. Những công, viên chức được chọn phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong những lĩnh vực liên quan đến thực phẩm, phải am hiểu pháp luật và được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, thanh tra chuyên ngành ATTP.
* Thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện và cấp xã sẽ làm những gì, thưa ông?
- Với vai trò kiêm nhiệm, lực lượng thanh tra ATTP cấp huyện sẽ làm nhiệm vụ tham mưu cho Phòng Y tế xây dựng kế hoạch thanh tra ATTP để trình chủ tịch UBND huyện; tham gia đoàn thanh tra hoặc thanh tra độc lập việc chấp hành pháp luật, quy định về quản lý ATTP; tham gia đoàn thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến thực phẩm, thực hiện xử lý vi phạm hành chính về ATTP.
Còn lực lượng thanh tra cấp xã sẽ làm nhiệm vụ tham mưu cho chủ tịch UBND xã xây dựng kế hoạch thanh tra, tham gia đoàn thanh tra hoặc thanh tra độc lập việc chấp hành pháp luật về ATTP, giúp UBND xã theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính về ATTP.
Ngoài ra, thanh tra 2 cấp này còn thực hiện thanh tra các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm liên quan đến thực phẩm; thanh tra các hoạt động quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm, hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm nghiệm ATTP và các quy định khác của pháp luật về ATTP.
* Tăng cường quản lý tận gốc
* Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng thanh, kiểm tra về ATTP thời gian qua chưa đi vào thực chất, còn tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, “cưỡi ngựa xem hoa”... khiến thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, còn người vi phạm thì... “lờn” pháp luật. Vậy theo ông, khi có lực lượng thanh tra cấp huyện và cấp xã, hoạt động quản lý ATTP có hiệu quả hơn?
- Đồng Nai là tỉnh đông dân, có nhiều khu công nghiệp với hàng trăm bếp ăn tập thể, hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm... Đặc biệt Đồng Nai cũng là địa phương có hoạt động chăn nuôi, trồng trọt phát triển nên lượng thực phẩm tươi sống sản xuất, lưu thông, sử dụng hằng ngày rất lớn, những vi phạm cũng theo đó diễn ra hằng ngày. Một thực tế là hiện nay, công tác thanh tra đối với lĩnh vực ATTP yếu nhất vẫn là tuyến huyện và tuyến xã, rất nhiều vi phạm về ATTP diễn ra, kiểm tra nhiều nhưng xử lý cũng chưa triệt để. Có thể kể ra một vài lý do chính như lực lượng làm công tác ATTP tại tuyến huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm (đặc biệt tuyến xã), trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, không đủ người, đủ phương tiện, đủ thời gian để giám sát, thanh tra được bao quát, kỹ lưỡng, chưa kể lực lượng lại phải thực hiện theo quy định của thanh tra đối với các cơ sở mỗi năm chỉ 1 lần, có báo trước, trừ thanh tra đột xuất khi phát hiện thấy những dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa . Ảnh: Văn Việt |
Với những hạn chế trên, khi thanh tra, lực lượng chủ yếu kiểm tra trên hồ sơ, giấy tờ, có lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng cũng không nhiều, hoạt động giám sát chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn công nghiệp lớn. Tôi cho rằng, khi có thanh tra chuyên ngành cấp huyện và cấp xã, lực lượng này hỗ trợ thanh tra cấp tỉnh tăng cường quản lý tận gốc hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh và vận chuyển thực phẩm cũng như công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định ATTP dễ dàng hơn.
Tất nhiên, không thể trong một sớm một chiều khi có thanh tra cấp huyện và cấp xã thì mọi vấn đề lo lắng của người dân về ATTP sẽ được giải tỏa, bởi hoạt động thanh tra chuyên ngành 2 cấp này mới là thí điểm nhằm tìm ra mô hình quản lý hiệu quả nhất nên cần thời gian để kiểm chứng cũng như phải điều chỉnh nhiều. Tuy nhiên, nhìn từ TP.Hồ Chí Minh - địa phương thực hiện thí điểm thanh tra ATTP tại 100% các quận, huyện, xã, phường hơn 1 năm qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố chuyển biến hiệu quả thấy rõ.
* Hiện mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm ATTP được nâng lên rất cao, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức vi phạm ATTP gây hậu quả nghiêm trọng... Nhưng xem ra chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe, có những cơ sở sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm, cũng chưa thấy vụ vi phạm nào bị xử lý hình sự?
- Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP đã được nâng lên rất cao. Một số hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm bị xử phạt gấp đôi, thậm chí gấp 5-7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, theo tôi mức xử phạt như thế là đã đủ sức răn đe, người vi phạm sẽ phải ngại. Riêng việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh liên quan đến ATTP được quy định trong Bộ luật Hình sự cũng đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, chắc chắn những cá nhân, tổ chức chủ trương làm thực phẩm giả, thực phẩm bẩn sẽ phải cân nhắc. Trong hoạt động thanh tra, khi phát hiện những vụ việc có đủ yếu tố xử lý hình sự, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Mức xử phạt được nâng lên, thanh tra giám sát ATTP có ở cả 3 cấp, hy vọng thời gian tới, những vấn đề nan giải trong quản lý ATTP sẽ dần dần được giải quyết, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)