Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì khi trẻ bị xâm hại tình dục?

10:05, 12/05/2019

Đó là vấn đề mà hiện nay nhiều phụ huynh còn  mơ hồ, mỗi người có cách ứng xử khác nhau, nhất là trong việc xử lý kẻ phạm tội và đồng hành cùng trẻ qua giai đoạn khó khăn. Trong đó phải kể đến những áp lực xã hội khi thông tin được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, truyền thông…

TS.Vũ Thiện Toàn
TS.Vũ Thiện Toàn

Đó là vấn đề mà hiện nay nhiều phụ huynh còn  mơ hồ, mỗi người có cách ứng xử khác nhau, nhất là trong việc xử lý kẻ phạm tội và đồng hành cùng trẻ qua giai đoạn khó khăn. Trong đó phải kể đến những áp lực xã hội khi thông tin được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, truyền thông…

Theo TS.VŨ THIỆN TOÀN, chuyên gia trẻ em, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em Kết Nối (TP.Hồ Chí Minh), năm 2018 cả nước có khoảng 1,2 ngàn vụ xâm hại trẻ em, trong đó 50% là giao cấu với trẻ (trẻ từ 13 đến dưới 16 tuổi, có sự đồng thuận) cho thấy nguy cơ bị dụ dỗ đối với trẻ ở độ tuổi này khá cao. Do đó, không chỉ phụ huynh mà cả cộng đồng đều phải quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ, giáo dục, hướng dẫn trẻ cách phòng tránh bị xâm hại tình dục.

* Thưa ông, trong trường hợp trẻ đã bị xâm hại thì phụ huynh nên làm gì?

- Trước tiên phải khẳng định tất cả những đối tượng có hành vi xâm hại trẻ đều phải bị xử lý, cần thiết phải có sự cách ly với cộng đồng.

Khi nghe con báo bị xâm hại thì phụ huynh nên bình tĩnh để xác định mức độ, hành vi của người xâm hại con mình. Nếu là hành vi sờ vào vùng nhạy cảm thì trước tiên phải trấn an con, theo dõi người đó hoặc báo cơ quan công an theo dõi.  Trường hợp con mình bị hiếp dâm, giao cấu thì càng phải bình tĩnh, không nên nói với nhiều người mà báo ngay với cơ quan công an cấp huyện. Sau đó gia đình nên đưa con tới bệnh viện để khám sức khỏe. Sau khi đã thăm khám sức khỏe cho trẻ, phụ huynh đưa con trở về cơ quan công an đề nghị cho con mình đi giám định. Không nên tắm cho trẻ ngay vì sẽ mất đi những dấu vết quan trọng.

Sau khi đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng thì trách nhiệm truy tìm, điều tra thuộc về cơ quan chức năng. Phụ huynh cũng nên yêu cầu những người thân xung quanh âm thầm quan tâm, giúp đỡ trẻ sớm ổn định tâm lý, hòa nhập cuộc sống. Đặc biệt, mọi người không nên hỏi về những chuyện đã qua với trẻ. Tránh quan tâm quá mức sẽ hóa thành sự phân biệt, khiến trẻ có sự mặc cảm.

* Nhiều người còn e ngại trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, ông quan niệm vấn đề này như thế nào? Nên dạy về giới tính cho trẻ ở độ tuổi nào là thích hợp?

- Đúng là vẫn còn phụ huynh có sự e dè trong việc giáo dục giới tính cho con. Tôi cho rằng, phụ huynh nên thay đổi suy nghĩ này và cần có những kiến thức nhất định để dạy con em mình, nhất là những bé gái. Do đó, trong tất cả những buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, chúng tôi không chỉ dạy trẻ mà còn dành thời gian cho cả những đối tượng là phụ huynh, giáo viên, các đoàn thể… để họ nắm bắt cách quan tâm, bảo vệ, dạy trẻ về cách bảo vệ bản thân, giới tính, sức khỏe sinh sản... Mỗi gia đình nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để nói chuyện, hỏi han trẻ, dạy con về giới tính...

TS.Vũ Thiện Toàn dạy học sinh cách phòng tránh xâm hại tình dục tại một trường tiểu học ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: n.liên
TS.Vũ Thiện Toàn dạy học sinh cách phòng tránh xâm hại tình dục tại một trường tiểu học ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: n.liên

 Tùy theo độ tuổi mà chúng ta có những lời dạy trẻ thích hợp. Ví dụ, trẻ dưới 6 tuổi cần dạy cách nhận thức những vùng nhạy cảm và cách tránh né, không cho người khác sờ vào những vùng “cấm” nếu trẻ không thích (kể cả người thân). Khi trẻ từ 6-9 tuổi, phụ huynh nên dạy cách nhận biết cơ quan sinh dục. Trẻ từ 9 tuổi sẽ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, lúc này phụ huynh dạy cụ thể hơn về các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục. Đồng thời cho trẻ nhận biết về sức khỏe sinh sản, về tình dục an toàn và những tác động, hệ lụy đến sức khỏe nếu quan hệ tình dục. Trẻ dưới 15 tuổi thì sẽ tăng cường giáo dục giới tính, cách nhận diện tình bạn và tình yêu để trẻ có sự đánh giá, nhìn nhận các mối quan hệ, hành động đúng đắn nhất.

 Đặc biệt, phụ huynh nên chú ý đến các mối quan hệ xã hội của trẻ, phải biết con chơi với ai, thông tin liên quan đến bạn của con mình. Luôn nghĩ và dõi theo con, nhất là các hoạt động trên mạng của trẻ. Nhiều trẻ khi ở nhà rất ngoan nhưng khi trên mạng nó bộc lộ những cái tôi, cái thật trong con người nó hoàn toàn khác. Do đó, phụ huynh cần nắm bắt kịp thời.

* Phụ huynh cần dạy trẻ cách nhận biết các hành vi bị xâm hại và kỹ năng đề phòng như thế nào?

91% vụ xâm hại tình dục trẻ em từ người quen biết

Theo TS.Vũ Thiện Toàn, giai đoạn từ năm 2012-2016, tỷ lệ vụ án xâm hại tình dục trẻ em do người thân quen gây ra chiếm 70%, nhưng đến 2018 chiếm tới 91%. Trong đó, kẻ vi phạm là người trong nhà chiếm 21%.

- Để làm được điều này, phụ huynh cần hiểu rõ những quy định pháp luật và cách nhận biết đối với những hành vi xâm hại tình dục trẻ theo luật định. Cụ thể, hành vi giao cấu là với trẻ từ 13 đến dưới 16 tuổi có sự đồng thuận, nếu không có sự đồng thuận thì gọi là hiếp dâm; với trẻ dưới 13 tuổi thì đồng thuận hay không đồng thuận đều là tội hiếp dâm. Hành vi dâm ô là có sự đụng chạm trực tiếp vào cơ quan sinh dục của trẻ.

Tất cả những hành vi xâm hại trẻ đều bắt đầu từ những hành vi yêu thương ban đầu, từ những hành vi đơn giản nhất. Do đó, trẻ cần nhận biết từ những hành vi ban đầu. Phụ huynh nên dạy cho trẻ về “vùng sinh dục” (những khu vực nhạy cảm cơ thể). Đối với trẻ dậy thì có một số “vùng sinh dục”: ngực, cơ quan sinh dục, 2 mông, hậu môn. Riêng nữ có 2 vùng là phần bụng dưới đến phía trên cơ quan sinh dục và khu vực phía trên phần trong đùi. Phụ huynh nên dạy con em mình cần có thái độ không bằng lòng nếu ai đó đụng tới những “vùng sinh dục” và né tránh những người có biểu hiện cố tình đụng chạm, đồng thời báo cho cha mẹ hoặc người lớn trong nhà mà mình tin tưởng nhất.

* Ông suy nghĩ như thế nào về cách truyền thông đưa tin về những vụ việc trên thời gian qua. Theo ông, việc đưa hình ảnh trẻ (dù đã được che mặt hoặc chỉ chụp sau lưng) có nên không? Cha mẹ nên ứng xử như thế nào với truyền thông khi con em mình bị xâm hại?

- Bản thân tôi không đồng tình nếu phụ huynh hoặc người nắm bắt thông tin về trẻ bị xâm hại đưa sự việc lên mạng xã hội hoặc truyền thông quá sớm, khi mà cơ quan chức năng còn đang điều tra, xử lý. Khi nào cơ quan chức năng xử lý không tốt thì gửi đơn đến cơ quan cấp cao hơn hoặc báo đài để thông tin.

Báo đài cũng nên hạn chế thông tin, đăng ảnh trẻ bị xâm hại tình dục, dù là ảnh chụp từ phía sau lưng. Bởi chúng ta không quen biết trẻ thì sẽ không nhận ra trẻ, nhưng với những người quen, hàng xóm thường xuyên gặp thì chỉ cần nhìn phía sau lưng vẫn có thể nhận ra trẻ là ai. Ở những thành phố lớn, vùng đô thị đông dân cư thì có thể các gia đình ít khi gặp nhau nên việc nhận diện trẻ khó hơn, nhưng ở những vùng nông thôn chỉ cần nói tên một người thì có thể cả ấp, thậm chí cả xã sẽ biết.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Tin xem nhiều