Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi rác thải nguy hại không còn nguy hại

09:05, 31/05/2019

Với những bể chứa rác thải nguy hại được đặt rải rác trên các cánh đồng, các cung đường đi qua nhiều vườn cây, trang trại… những năm qua, rác thải nguy hại trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã được thu gom và xử lý theo quy định, bảo vệ môi trường.

Với những bể chứa rác thải nguy hại được đặt rải rác trên các cánh đồng, các cung đường đi qua nhiều vườn cây, trang trại… những năm qua, rác thải nguy hại trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã được thu gom và xử lý theo quy định, bảo vệ môi trường.

Các bể rác nằm trải đều tại các xã trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ
Các bể rác nằm trải đều tại các xã trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ

Hành động này giúp cho các cánh đồng, vườn cây, vệ đường không còn hình ảnh đi đâu cũng gặp các vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y, phân bón… được người dân vứt ngay tại chỗ sau khi sử dụng như nhiều năm trước đây.

* Vườn sạch, ruộng xanh

Cánh đồng lúa tại ấp 10, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) những ngày cuối tháng 5 đang vào giai đoạn phải xịt thuốc chống sâu cuốn lá và các bệnh khác trên cây lúa nên lượng thuốc sử dụng khá nhiều. Dù vậy, trên các con đường, bờ ruộng vẫn không hề có vỏ các chai thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, tại bể chứa rác thải nguy hại được đặt trên trục đường nội đồng chính thì chất đầy rác thải với những vỏ chai, bao bì được người dân thu gom, tập kết tại đây sau khi sử dụng.

Người dân sau khi sử dụng thuốc luôn thu gom rác nên cánh đồng tại xã Sông Ray luôn sạch rác
Người dân sau khi sử dụng thuốc luôn thu gom rác nên cánh đồng tại xã Sông Ray luôn sạch rác

Ông Lê Xuân Nhiên, nông dân ấp 10, xã Sông Ray cho biết, mấy năm gần đây các cánh đồng không còn rác thải nguy hại, các cống rãnh luôn thông thoáng, không còn cảnh rác dồn ứ, nhất là những vỏ chai lọ, bao bì vứt bừa bãi trên cánh đồng như trước. Theo ông Nhiên, người dân hiện nay đã hiểu rõ được những tác hại từ việc vứt rác thải nguy hại bừa bãi. Bên cạnh đó, bể chứa rác thải nguy hại được đặt ngay trục đường chính nên rất tiện cho bà con bỏ rác sau khi sử dụng.

Tương tự, khu vực ấp Chính Nghĩa, xã Nhân Nghĩa là nơi tập trung nhiều diện tích cây trồng do đó lượng thuốc bảo vệ thực vật được người dân sử dụng khá lớn. Có nhà gần một bể chứa rác thải nguy hại tại ấp Chính Nghĩa, bà Huỳnh Thị Tuyết cho biết, từ khi có bể chứa này lượng rác thải nguy hại bớt hẳn, đi trên đường không còn gặp vỏ chai các loại thuốc.

“Nhiều người dân ở xa vài cây số cũng thu gom rác để đúng nơi quy định, gia đình tôi mấy năm nay không còn phải loay hoay xử lý những rác trên. Tôi cho rằng đây là một mô hình thu gom rác thải nguy hại rất hay, tuy nhiên số bể chứa còn khá ít, tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều thùng chưa rác thải nguy hại hơn để bảo vệ môi trường sống ngày càng trong lành hơn” - bà Tuyết cho biết thêm.

* Tiếp tục nhân rộng mô hình

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Cẩm Mỹ, trên địa bàn huyện hiện có 141 điểm đặt bể chứa rác thải nguy hại. Trong đó, một số xã có hoạt động nông nghiệp nhiều sẽ trang bị bể nhiều hơn như: xã Xuân Tây (28 bể), Sông Ray (22 bể), Xuân Đông (21 bể). Mô hình bể chứa rác thải nguy hại được thực hiện từ nhiều năm nay.

Rác thải nguy hại là vỏ chai thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật được tập trung tại bể chứa trên cánh đồng ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ
Rác thải nguy hại là vỏ chai thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật được tập trung tại bể chứa trên cánh đồng ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ

Theo đó, lượng rác thải thu gom được cũng tăng từng năm, điều này chứng tỏ ý thức thu gom, tập trung rác thải nguy hại trong nhân dân đã tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2014 thu được 1,3 tấn thì đến 2018 số rác thu gom được là trên 4,2 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê thì số lượng bể chứa rác thải nguy hại trên địa bàn huyện vẫn chưa tương xứng với nhu cầu sử dụng và quy định số bể chứa so với diện tích đất thực tế được quy định tại Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - môi trường (cần khoảng trên 10 ngàn bể).

Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Cẩm Mỹ cho biết, từ những kết quả đã đạt được trong những năm qua, cụ thể huyện đã lập được bản đồ số hóa các vị trí bể chứa trên địa bàn (xác định bằng tọa độ và đánh số). Khi một bể rác đầy thì cán bộ ấp, xã chỉ cần báo lên huyện bể chứa đã đầy cần thu gom để huyện yêu cầu đơn vị thu gom, xử lý rác theo quy định.

Theo bà Viên, để công tác thu gom và xử lý rác thải nguy hại mang lại hiệu quả tốt hơn, thời gian tới huyện vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc thu gom rác thải nguy hại về nơi tập kết. Bên cạnh đó, kêu gọi, hướng dẫn người dân không bỏ rác thải sinh hoạt chung với rác thải nguy hại.

“Một số người bỏ rác thải sinh hoạt chung với rác thải nguy hại khiến cho việc thu gom, phân loại rác gặp khó khăn. Hiện nay, chi phí cho 1kg rác thải nguy hại (14 ngàn đồng) cao hơn rác thải sinh hoạt (8 ngàn đồng), nếu người dân bỏ rác thải sinh hoạt chung thì huyện sẽ phải trả tiền theo giá rác thải nguy hại rất tốn kém” - bà Viên cho hay.

Ngoài việc xây dựng các bể chứa rác thải nguy hại, thời gian qua, huyện Cẩm Mỹ còn triển khai các mô hình “Đổi rác thải nguy hại lấy tập học sinh” tại 13 xã. Đồng thời các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp ra mắt mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ny-lông bảo vệ môi trường” với 305 thành viên, dự kiến năm 2019 sẽ tăng thêm 700 thành viên; mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”12 tại 2 xã Xuân Tây, Bảo Bình. Những mô hình này sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Minh Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích