Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao thoát nước?

10:05, 06/05/2019

Qua vài cơn mưa đầu mùa, TP.Biên Hòa lại bị ngập cục bộ dù những khu vực "rốn ngập" đã được tỉnh và thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo, nạo vét hệ thống thoát nước. Tình trạng "cứ mưa là ngập" cục bộ do nhiều miệng cống, hố ga thoát nước bị bịt kín bởi rác và thói quen thiếu ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận người dân.

Qua vài cơn mưa đầu mùa, TP.Biên Hòa lại bị ngập cục bộ dù những khu vực “rốn ngập” đã được tỉnh và thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo, nạo vét hệ thống thoát nước. Tình trạng “cứ mưa là ngập” cục bộ do nhiều miệng cống, hố ga thoát nước bị bịt kín bởi rác và thói quen thiếu ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận người dân.

Một tấm đan ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa bị rác bịt kín mặt thoát nước
Một tấm đan ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa bị rác bịt kín mặt thoát nước

* Hố ga có cũng như không

Sau cơn mưa lớn chiều 2-5, hàng loạt khu vực ở các phường Tân Biên, Tân Hiệp, Trảng Dài… bị ngập nước, gây khó khăn cho nhiều hộ dân và người đi đường. Điều đáng nói là những chỗ bị ngập sâu như: đoạn qua trước cổng Công an phường Tân Hiệp, Sở Tài nguyên - môi trường, đoạn qua nhà thờ Thánh Tâm, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (phường Tân Biên)... lại là những chỗ đã được đặt hệ thống mương thoát nước khá lớn và trên bề mặt đặt những tấm đan sắt để thoát nước, ngăn rác. Thế nhưng, những tấm đan này thường xuyên bị rác dồn đọng lại bịt kín bề mặt nên nước không thể thoát xuống được nữa. Sau cơn mưa này, công nhân vệ sinh của Công ty cổ phần môi trường Sonadezi đã dọn rác, làm thông thoáng mặt đan tại một số khu vực. Tuy nhiên, nhiều tấm đan dù đã được dọn hết rác, nhưng giữa các song sắt, đất đá kết dính lâu ngày bịt kín rất khó để thoát nước.

Nhiều tấm đan ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa mặt thoát nước bị cát đất bết dính giữa các song sắt, làm hạn chế dòng chảy
Nhiều tấm đan ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa mặt thoát nước bị cát đất bết dính giữa các song sắt, làm hạn chế dòng chảy. Ảnh:Trái, Mặt tấm đan ở đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua phường Tân Phong, TP.Biên Hòa bị người dân dùng tôn thiếc bịt kín để tránh mùi hôi. Ảnh: Phải

Hiện một số tuyến đường như Nguyễn Ái Quốc đoạn qua các phường Tân Tiến, Tân Hiệp, Hố Nai, Tân Biên; đường Đồng Khởi đoạn qua các phường Tam Hòa, Tân Hiệp, Trảng Dài; đường Trần Quốc Toản qua phường Bình Đa; đường Đặng Văn Trơn ở xã Hiệp Hòa... có nhiều nắp hố ga nếu không bị rác bịt kín thì cũng bị người dân dùng vải nhựa, ván ép, tôn kẽm bít lại để ngăn mùi hôi từ cống rãnh bốc lên. Nhiều họng cống xả cũng trong tình trạng tương tự.

Bà Trần Thị Thảo, một người bán heo quay ở khu vực gần Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (phường Tân Biên) cho biết, bà phải lấy bạt nhựa che kín tấm đan sắt và dùng mấy cục đá to dằn lên để tránh mùi nước cống xông lên hôi hám, nhất là vào những ngày nắng nóng. “Phải bịt kín để mùi hôi và nước cống không tràn lên” - bà Thảo cho hay.

Ở vùng “rốn ngập” từ nhiều năm nay, ông Trần Thanh Lý, nhà trên đường Đồng Khởi, gần Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, nơi đây lâu nay là khu vực hay ngập và thường ngập sâu. “Mỗi khi mưa to, nước chảy mang theo rác từ các nơi đổ về trôi lềnh bềnh rồi mắc vào mặt đan khiến nước không thoát nổi. Dù khu vực này đã được thi công hệ thống thoát nước khá rộng, nhưng mặt đan ngập kín rác thì dù mưa nhỏ, nước vẫn không thoát được. Những hôm mưa lớn kéo dài, gia đình tôi phải cầm bao vớt rác vướng vào những miệng cống thoát nước gần nhà để cho nước thoát” - ông Lý cho biết.

* Trông chờ vào ý thức của người dân

Phường Tân Biên nằm ở “rốn ngập” nặng nề nhất của Biên Hòa và là một trong 4 phường trong mùa mưa năm ngoái vì để rác bịt kín các miệng cống thoát nước gây ngập úng. Ông Trần Thiện Căn, Chủ tịch UBND phường Tân Biên cho hay, phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động bà con không vứt rác bừa bãi, không bịt các miệng cống thoát nước, không đổ rác xuống suối, thậm chí đưa ra biện pháp mạnh là nếu bắt quả tang người vứt rác không đúng nơi quy định sẽ phạt từ 5-7 triệu đồng... Tuy nhiên, tình trạng xả rác bừa bãi dẫn đến rác bịt miệng cống vẫn diễn ra.

Những tấm đan đậy miệng cống thoát nước ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa bị đậy kín bởi bao nhựa
Những tấm đan đậy miệng cống thoát nước ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa bị đậy kín bởi bao nhựa. Ảnh: Trái, Rác và lá cây dồn ứ trên miệng cống thoát nước ở phường Tân Phong,
TP.Biên Hòa. Ảnh: Giữa, Một tấm đan đậy miệng cống khác ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa
bị rác lấp hoàn toàn. Ảnh: Phải

Theo ông Căn, chuẩn bị cho công tác chống ngập trong mùa mưa này, ngay từ tháng 3, mỗi thứ bảy phường đều ra quân tuần lễ xanh - sạch - đẹp với hơn 50 thành viên gồm lực lượng phường đội, đoàn viên thanh niên, công an và người dân để tổ chức thu gom rác, nạo vét lòng suối. Hiện nay, khu vực ngập úng nặng nề nhất là cầu Suối (ở KP.7), lòng suối đã bị đất cát, rác bồi đắp làm hẹp và nông nên mỗi khi mưa lớn, nước từ các phường Tân Hòa, Hố Nai đổ xuống như thác lũ khiến nước thoát không kịp, gây ngập sâu. “Kinh phí nạo vét lòng suối này phải vài trăm triệu đồng, phường không thể lo được. Sau cơn mưa ngày 2-5 vừa qua, tình trạng ngập úng rất nặng nề, chúng tôi đã kiến nghị với thành phố đưa cầu Suối vào dự án nạo vét công trình công để bố trí vốn, chứ địa phương không làm nổi” - ông Căn cho biết.

Xác định rác thải bịt kín các miệng cống thoát nước là một trong những nguyên nhân chính làm tắc nghẽn dòng chảy mỗi khi mưa lớn và trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: trong cuộc họp sau cơn mưa lớn ngày 2-5, lãnh đạo thành phố đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo một số phường để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, đồng thời yêu cầu các phường trên phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân để rác đúng nơi quy định, nhất là không được bịt kín các miệng cống thoát nước cũng như đổ rác xuống suối, thường xuyên khơi thông dòng chảy để hạn chế ngập.

“Phê bình và giao trách nhiệm khắc phục cho chủ tịch UBND các phường để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ là cần thiết. Nhưng để giải quyết được “bài toán” nan giải ngập úng sau mưa thì quan trọng nhất là từ ý thức của người dân. Nếu người dân ý thức trong giữ gìn môi trường, không vứt rác bừa bãi, không làm các công trình lấn suối... thì chuyện ngập úng sẽ được cải thiện” - ông Dũng nói.

Ông PHẠM ANH DŨNG, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay, nếu mùa mưa này phường nào không khắc phục, để rác bịt kín các miệng cống thoát nước, gây ngập úng cục bộ, thành phố sẽ tiếp tục nêu tên và xem xét thi đua cuối năm.

Phương Liễu

Tin xem nhiều