Là một đô thị có mật độ dân cư cao, TP.Biên Hòa đang nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng các tiêu chuẩn của một đô thị loại I. Thế nhưng hiện đô thị 1,25 triệu dân này vẫn chưa có được một nhà tang lễ.
Là một đô thị có mật độ dân cư cao, TP.Biên Hòa đang nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng các tiêu chuẩn của một đô thị loại I. Thế nhưng hiện đô thị 1,25 triệu dân này vẫn chưa có được một nhà tang lễ.
Phối cảnh Nhà tang lễ thành phố trong tương lai |
Trong khi đó, cùng với quá trình phát triển, các khu dân cư tập trung, chung cư cao tầng… ở Biên Hòa hình thành ngày càng nhiều. Nhu cầu về một nhà tang lễ rộng rãi, thuận tiện cho người dân là cần thiết trong thời gian tới và cũng góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang.
* Lo không có chỗ làm đám
Chị Nguyễn Thị Minh Anh sống ở chung cư Thanh Bình (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) kể chuyện, cha mẹ chồng chị năm nay đã 80 tuổi, chồng chị là con trai cả nên có bổn phận chăm sóc cha mẹ. Gia đình và con cái sống, làm việc, học tập ngay tại trung tâm TP.Biên Hòa nên chị muốn đưa cha mẹ chồng từ huyện Vĩnh Cửu về ở chung cho dễ bề chăm sóc.
Thế nhưng sau những lần đến chơi nhà con trai, ông bà nhất định không chịu về ở cùng, dù nơi đây rất sạch sẽ, thoáng mát. Lý do ông bà đưa ra là “chết không có chỗ quàn”. “Lúc ấy tôi mới giật mình nghĩ về chuyện tang ma đối với người sống ở chung cư. Lâu nay chưa có trường hợp nào khi qua đời được quàn tại khu chung cư này. Do đó, tôi rất lung túng và suy nghĩ khi nghe cha mẹ chồng nói như thế” - chị Minh Anh tâm sự.
Theo truyền thống và thói quen, nhiều gia đình khi có người thân qua đời, họ muốn để ở nhà làm đám dù không gian chật hẹp, phải lấn chiếm lòng lề đường. |
Về vấn đề nhà tang lễ phục vụ người dân thành phố, ông Nguyễn Hiếu (sống ở chung cư Nguyễn Văn Trỗi, phường Quang Vinh) cho rằng: “TP.Biên Hòa nên có một nhà tang lễ để người dân sống ở những ngõ hẻm chật chội hay những khu dân cư đông đúc có thể đưa người thân của mình ra đó tổ chức tang lễ cho chu đáo, tử tế. Ngay cả khi các chung cư có khu vực sinh hoạt cộng đồng dành cho việc họp hành, tổ chức tang lễ cũng rất không nên tổ chức tại đó bởi sẽ làm phiền các hộ sống cùng chung cư. Hơn nữa, nhiều người cũng rất kiêng kỵ khi đến họp hành, con cái vui chơi ở chỗ từng tổ chức đám tang...”.
Thực tế, mỗi khi có người thân qua đời, ai cũng muốn quàn tại nhà cho ấm cúng, để người thân, bà con, hàng xóm đến thăm hỏi, chia buồn, động viên người sống. Hiện Biên Hòa có khoảng chục chung cư cao tầng, mỗi căn hộ có diện tích từ vài chục đến trên 100m2, hành lang giữa các căn hộ chừng 2m, nên rất khó có thể tổ chức tang lễ ngay tại căn hộ chung cư.
Ngoài chung cư, TP.Biên Hòa hiện có nhiều khu phố, ngõ hẻm rất chật hẹp, có nơi đường đi 2 xe máy tránh nhau không lọt. Vì thế, mỗi khi có người thân qua đời, nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn khi tổ chức tang lễ và không khỏi ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của bà con hàng xóm. Cụ thể như trước Tết Nguyên đán 2019, mẹ của bà Nguyễn Thị Lợi (KP.3, phường Thống Nhất) qua đời. Do nhà bà Lợi ở xóm lao động có đường đi quá chật hẹp nên không thể tổ chức tang lễ được, bà phải đưa mẹ ra quàn tại chùa Phúc Lâm. “Gia đình muốn làm đám tang cho mẹ ấm cúng ngay tại nhà nhưng do đường hẻm quá chật hẹp, thậm chí khó có thể chuyển quan tài ra khỏi nhà được nên phải quàn bà cụ nơi cửa chùa. Tôi nghĩ nếu Biên Hòa có nhà tang lễ rộng rãi, tiện nghi, nhiều gia đình sẽ không còn băn khoăn chuyện quàn người thân ở đâu khi có hậu sự” - bà Lợi nói.
* Nhu cầu trong tương lai
Để được công nhận là đô thị loại I, trong 49 tiêu chí phải đạt, đô thị Biên Hòa hiện còn nợ 3 tiêu chí, đó là: mật độ đường giao thông, mật độ đường cống thoát nước chính trong khu vực nội thành và nhà tang lễ. Theo kế hoạch, TP.Biên Hòa sẽ đầu tư xây dựng 2 nhà tang lễ thành phố tại phường Bửu Long và phường Tân Biên. Trong đó, nhà tang lễ tại phường Bửu Long dự kiến ưu tiên làm trước với kinh phí 80 tỷ đồng, gồm nhà tang lễ chính và các công trình phụ trợ phục vụ tang lễ trên diện tích 2.755m2. Tuy nhiên, mới đây dự án Nhà tang lễ thành phố tại phường Bửu Long đã được điều chỉnh. Vị trí dự kiến xây dựng nhà tang lễ sẽ được chuyển cho dự án xây dựng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, dân số Biên Hòa khá đông, mật độ dân cư dày, tốc độ phát triển của các khu dân cư, khu chung cư nhanh... Tuy nhiên, khi khảo sát về nhu cầu sử dụng nhà tang lễ thì cho thấy đây chưa phải là nhu cầu cấp thiết. Trong khi đó, nhu cầu xây mới trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đang rất bức thiết vì trường cũ đã quá chật hẹp, xuống cấp nên phải ưu tiên trước.
Theo ông Phạm Anh Dũng, trước đó UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tại vị trí đất liền kề với vị trí xây dựng Nhà tang lễ thành phố tại phường Bửu Long. Song, xét thấy nhu cầu về nhà tang lễ chưa quá cấp bách so với đòi hỏi phải có một cơ sở mới cho Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, vả lại trường học nằm sát nhà tang lễ cũng không hay nên UBND TP.Biên Hòa đã kiến nghị lên UBND tỉnh. Tỉnh đã cho ngừng thực hiện dự án Nhà tang lễ thành phố, đồng thời đồng ý cho điều chỉnh đất nhà tang lễ sang đất giáo dục để xây dựng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Có thể hiện nay nhu cầu sử dụng nhà tang lễ tại TP.Biên Hòa chưa thực sự cấp bách so với nhu cầu xây dựng trường học, nhưng với sự phát triển của các đô thị, kèm theo nhiều chung cư cao tầng đang mọc lên khá nhiều thì vài năm nữa, thành phố phải có một vài nhà tang lễ để phục vụ nhu cầu của người dân. “Dù hiện tại nhu cầu sử dụng nhà tang lễ của người dân chưa cao nhưng thành phố vẫn có phương án tìm và quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà tang lễ khi cần, tránh tình trạng khi xã hội có nhu cầu nhiều thì thành phố lại không còn quỹ đất. Từ nay đến cuối năm 2019, TP.Biên Hòa phải tìm được vị trí phù hợp để có thể tiến hành xây dựng nhà tang lễ như kế hoạch” - Chủ tịch UBND.TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng khẳng định.
Phương Liễu