Một số học sinh có hành vi bạo lực học đường, bêu xấu bạn trên mạng xã hội, vi phạm an toàn giao thông, sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng... không chỉ do tuổi trẻ nông nổi, mà còn vì...
Một số học sinh có hành vi bạo lực học đường, bêu xấu bạn trên mạng xã hội, vi phạm an toàn giao thông, sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng... không chỉ do tuổi trẻ nông nổi mà còn vì chưa được giáo dục pháp luật đến nơi đến chốn.
Học sinh cần được phổ biến, giáo dục để nắm và hiểu pháp luật. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Tam Phước, TP.Biên Hòa trao đổi sau giờ học (ảnh minh họa) Ảnh: P.LIỄU |
Thời gian qua, nhiều vụ việc học sinh nói riêng và trẻ em nói chung có những hành vi vi phạm pháp luật trong và ngoài trường học, đã dấy lên lo ngại về một thực tế là các em thiếu kiến thức về pháp luật. Đặc biệt là những vụ cố ý gây thương tích cho người khác, xử nhau bằng bạo lực dã man mà không lường trước được hậu quả, không hề biết mình đang phạm luật.
* Không lường được hậu quả...
Trong 2 vụ bạo lực học đường “đánh nhau như trong phim” của nhóm nữ sinh của một trường THCS tại huyện Vĩnh Cửu và vụ nhóm nữ sinh ở một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa trước đây, khi được công an cũng như ban giám hiệu nhà trường mời lên làm việc, hỏi về việc có biết đánh bạn, gây thương tích là vi phạm pháp luật không, không ít em trong số này ngơ ngác, cho hay là không biết, chỉ thấy ghét là... đánh.
PGS-TS.TRẦN KIỀU, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong một lần đến Đồng Nai tham gia hội thảo về phòng chống bạo lực học đường cho rằng: “Việc phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho học sinh là cần thiết ngang với những môn học khác. Người “mù” luật cũng giống như người dọ dẫm đi trong đêm tối, rất dễ sa xuống hố. Cho nên, hiểu biết pháp luật sẽ như cái thắng, giúp các em biết dừng lại trước những hành vi nguy cơ dẫn đến tội phạm”. |
Trước đó, một vụ việc khác cũng khá nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn trong trận chơi đá bóng, 2 học sinh của một trường THPT trong tỉnh đã rủ thêm người thân, bạn bè đến “xử” nhau và gây ra cái chết cho một học sinh khác. Cái giá phải trả cho hành động nông nổi của những học sinh này không hề nhẹ, chưa kể điều đó ảnh hưởng đến học tập cũng như nhân thân sau này của các em.
Vẫn biết trẻ em trong quá trình phát triển, đặc biệt là ở độ tuổi THCS, nhận thức cũng như hành vi chưa thật hoàn thiện. Nhiều em tính khí bốc đồng, háo thắng cũng như bản thân thiếu tự chủ, mỗi khi bị kích động hoặc gặp mâu thuẫn không làm chủ được mình, dẫn đến vô tình vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình trạng học sinh nói riêng và trẻ em nói chung vi phạm pháp luật về bạo lực học đường, an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng, sử dụng và vận chuyển ma túy, cướp giật... có xu hướng gia tăng. Nhiều em vi phạm khi bị bắt và xử lý nhưng không biết hành vi đó của mình là vi phạm pháp luật, càng không lường được hậu quả cũng như mức án phải nhận khi phạm tội hình sự.
* Cần phương pháp tiếp cận trực quan sinh động
Vấn đề giáo dục, trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh nói chung và trẻ em nói riêng là rất cần thiết. Bởi nó không chỉ giúp các em nhận biết được đâu là hành vi hợp pháp và đâu là hành vi vi phạm pháp luật, qua đó hình thành ý thức xa lánh những hành vi phạm tội, xây dựng thói quen và nhân cách sống chuẩn mực ngay từ khi chưa thành niên. Tuy nhiên, cách phổ biến, tuyên truyền giáo dục cho học sinh tại một số trường học hiện nay được đánh giá là còn khô cứng, kém hấp dẫn.
Từ nhiều chuyến đi thực tế phổ biến pháp luật cho người dân, trong đó có đối tượng học sinh tại một số trường THCS, THPT, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) chia sẻ: “Giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho học sinh không như phổ biến cho người lớn, mà ngay cả với người lớn có nói về điều nọ, khoản kia, hình thức xử lý, mức độ xử phạt... thì họ cũng không thể nhớ được. Cho nên khi phổ biến pháp luật với học sinh, chúng tôi thường đưa ra những câu chuyện giả định cụ thể, những tình huống thực tế để các em dễ hình dung sự việc, cho các em tranh luận và tự đưa ra nhận định, đánh giá. Cuối cùng, chúng tôi “gút” lại bằng cách chỉ cho các em thấy trong tình huống đó, câu chuyện đó hành vi nào có tội, hành vi nào không, chỉ cho các em “cái ngưỡng” mong manh giữa phạm tội và không phạm tội... Qua đó giúp các em nhận diện được những hành vi phạm tội mà tránh”.
Về phía ngành GD-ĐT, ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, từ nhiều năm qua, ngành đã kết hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - thương binh xã hội thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về phổ biến pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống ma túy - mại dâm, tình bạn - tình yêu... Tuy nhiên, các trường hiện nay vẫn phải tự bươn chải về kinh phí để tổ chức nhiều hơn các lớp kỹ năng, các buổi nói chuyện chuyên đề... vì thế hiệu quả tuyên truyền chưa thật như mong muốn.
Cũng theo ông Thạch, nhà trường vẫn phải là môi trường giúp các em trau dồi đạo đức, kiến thức bằng việc tạo ra môi trường học đường thân thiện, an toàn, giáo viên gương mẫu. Tuy nhiên, để học sinh không vi phạm pháp luật thì vai trò của gia đình rất quan trọng. Con cái đi đâu, làm gì, cha mẹ cần phải quản lý. Đồng thời dù có bận làm ăn, cha mẹ cũng nên dành thời gian để quan tâm, chia sẻ, tâm sự với con nhằm sớm phát hiện những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn mà kịp thời ngăn chặn, không để sự việc đi quá xa...
Phương Liễu