Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông đưa tin một số vụ học sinh bị xâm hại, lạm dụng, quấy rối tình dục trong trường học khiến dư luận bức xúc, phụ huynh lo lắng.
Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông đưa tin một số vụ học sinh bị xâm hại, lạm dụng, quấy rối tình dục trong trường học khiến dư luận bức xúc, phụ huynh lo lắng. Trên địa bàn Đồng Nai dù chưa phát hiện vụ việc tương tự nào nhưng theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình, môi trường học đường hiện nay chưa thật an toàn với các em. Để ngăn ngừa tình trạng học sinh bị xâm hại, cần sự vào cuộc từ nhiều phía.
Tạo môi trường học đường an toàn cho trẻ (ảnh minh họa) |
Theo ông Trình, hiện nay vấn đề tuyên truyền, giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại tình dục, tư vấn tâm lý học đường là những hoạt động mà hầu hết các trường THCS, THPT đều đã làm nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đi vào thực chất bởi còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cùng với đó, môi trường học đường hiện nay cũng chưa thực sự an toàn với các em. Có những học sinh phải đến trường quá sớm do cha mẹ đi làm, rồi lại phải ở lại trường quá trễ để chờ cha mẹ đón về hoặc học sinh ở các trường học ở nông thôn hẻo lánh, xa khu dân cư...
Để bảo đảm môi trường học đường an toàn, đặc biệt là phòng chống tình trạng học sinh bị xâm hại, lạm dụng, quấy rối tình dục, ngành GD-ĐT đã có nhiều giải pháp. Cụ thể, theo Phó giám đốc Sở
GD-ĐT Đào Đức Trình, trong tháng 4-2019 Sở phối hợp với Trường đại học Vinh (tỉnh Nghệ An) tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông về giáo dục giới tính cho giáo viên để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết trong trò chuyện, tư vấn, chuyển tải thông tin về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại cho học sinh. Đồng thời, ngành tiếp tục kiểm tra hoạt động của các tổ tư vấn tâm lý học đường, tổ chức tọa đàm về giáo dục phòng chống xâm hại tình dục trong trường học, tăng cường giao tiếp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để kịp thời nắm bắt những biển hiện, thông tin về nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường để ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trình, ngoài ngành GD-ĐT còn cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong đó, trách nhiệm của gia đình là rất quan trọng. Cha mẹ phải hướng dẫn con cái biết tự bảo vệ mình bằng cách không cho những người khác đụng chạm vào những bộ phận riêng tư. Gia đình quan tâm chia sẻ khi thấy con có những biểu hiện bất thường để kịp thời ngăn chặn trước khi sự việc đi quá xa.
Phương Liễu