Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa cá sấu vào loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm I

09:04, 21/04/2019

Đây là một trong những nội dung mới theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là CITES) tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 10-3-2019.

Đây là một trong những nội dung mới theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là CITES) tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 10-3-2019.

Khu nuôi cá sấu tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa). Ảnh: M.QUÂN
Khu nuôi cá sấu tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa). Ảnh: M.QUÂN

Ông LÊ VIỆT DŨNG, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, trước đây cá sấu được xếp vào danh mục các loài động vật nhóm II. Tuy nhiên theo CITES, cá sấu nằm trong danh mục động vật thuộc nhóm I. Trong khi đó, Việt Nam là thành viên của CITES nên nghị định lần này đã điều chỉnh lại để phù hợp với thông lệ CITES.

* Thưa ông, Đồng Nai là địa phương có nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi cá sấu vì mục đích thương mại, liệu thay đổi trên có ảnh hưởng gì đến người nuôi cá sấu?

- Trước khi có Nghị định 06 thì cá sấu thuộc nhóm II nên theo quy định sẽ do Chi cục Kiểm lâm cấp phép cho những hộ nuôi cá sấu. Tuy nhiên, khi cá sấu được đưa lên nhóm I thì thủ tục cấp phép sẽ do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (gọi tắt là CITES Việt Nam) cấp phép. Người nuôi cá sấu mới phải gửi hồ sơ đăng ký đến CITES Việt Nam để được cấp mã số. CITES Việt Nam sẽ thẩm định hồ sơ để cấp phép theo quy định. Theo đó, mỗi cơ sở nuôi cá sấu sẽ được cấp 1 mã riêng, Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm quản lý và kiểm tra đối với các cơ sở này.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 333 cơ sở nuôi cá sấu đã được chi cục cấp phép theo quy định, với khoảng 200 ngàn con. Các hộ nuôi các sấu chủ yếu tập trung tại một số địa phương: xã La Ngà, Phú Ngọc (huyện Định Quán) và rải rác tại một số địa phương khác như: TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, TX.Long Khánh…

Về cơ bản, Nghị định 06 sẽ theo hướng tạo hành lang thông thoáng cho những hộ dân nuôi cá sấu. Đồng Nai là địa phương có nhiều hộ dân nuôi cá sấu vì mục đích thương mại, thị trường phân phối sản phẩm cá sấu trong nước nên ngoài việc phải đăng ký trực tiếp tại CITES Việt Nam, những vấn đề khác như: phân phối sản phẩm ra thị trường, xác nhận về nguồn gốc, đầu vào đầu ra cho sản phẩm đều do Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm phụ trách nên cơ bản không ảnh hưởng gì lớn.

* Thủ tục cấp phép được thực hiện như thế nào, những hộ đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp trước đây phải làm gì?

- Đối với những hộ đăng ký nuôi mới từ ngày 10-3-2019 sẽ gửi hồ sơ đăng ký trực tiếp đến CITES Việt Nam, cơ quan này sẽ trực tiếp thẩm định hồ sơ. Cơ sở đăng ký nuôi cá sấu phải chịu trách nhiệm trước thông tin gửi CITES Việt Nam. Nếu đủ điều kiện thì CITES Việt Nam sẽ cấp mã đăng ký theo luật định. Trường hợp có vướng mắc thì CITES Việt Nam sẽ thẩm định lại thông tin, khảo sát thực tế trước khi cấp phép. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp phép thì CITES Việt Nam sẽ trả lại cho chủ cơ sở bổ sung thêm. Thời gian quy định giải quyết hồ sơ cấp phép không quá 30 ngày.

Chi cục Kiểm lâm sẽ chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở về nguồn gốc, đầu vào và đầu ra của vật mẫu. Khi cá sấu thương phẩm lưu thông trên thị trường thì phải có xác nhận sản phẩm của Hạt Kiểm lâm chứng nhận sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nội địa.

Trường hợp các cơ sở muốn xuất khẩu cá sấu thì chỉ những cơ sở đủ điều kiện theo CITES quốc tế, đã được CITES cấp mã số, xác nhận sản phẩm mới được xuất khẩu. Đồng Nai hiện chỉ có một cơ sở nuôi cá sấu tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài đủ tiêu chí này.

* Những vướng mắc trong thay đổi lần này là gì, thưa ông?

- Đối với những hộ mới sẽ xin phép theo quy định tại CITES Việt Nam thì đã rõ. Tuy nhiên, những hộ đã được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cấp giấy phép theo quy định cũ thì hiện nay nghị định mới chưa có hướng dẫn cụ thể việc thay đổi lại thủ tục cấp phép. Do đó, vừa qua chi cục đã có văn bản gửi lên tổng cục đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp đã được Chi cục Kiểm lâm cấp giấy phép để điều chỉnh việc cấp phép cho các cơ sở nuôi cá sấu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với những hộ mới không cần thông qua địa phương sẽ khó khăn trong việc thẩm định những quy định về vị trí, cơ sở hạ tầng, điều này dễ dẫn đến những sai sót. Theo tôi, trước khi cấp phép cho các cơ sở nuôi cá sấu, CITES Việt Nam nên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thẩm định hồ sơ trước khi quyết định để tránh những sai sót trong quá trình cấp phép.

 * Xin cám ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều