Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra trên phạm vi cả nước và dự báo còn tiếp tục diễn ra đến hết tuần này. Đối phó với tình trạng nắng nóng, tại TP.Biên Hòa nhiều người chọn giải pháp đến hồ bơi để "giải" nóng.
Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra trên phạm vi cả nước và dự báo còn tiếp tục diễn ra đến hết tuần này. Đối phó với tình trạng nắng nóng, tại TP.Biên Hòa nhiều người chọn giải pháp đến hồ bơi để “giải” nóng.
Người lớn tập bơi ở Câu lạc bộ bơi lặn Sông Phố (Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh) |
Do lượng người đến các hồ bơi mùa này tương đối đông nên phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh nguồn nước và nguy cơ lây nhiễm những bệnh ngoài da…
* Rủ nhau đi bơi giải nhiệt
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa, toàn thành phố hiện có 14 hồ bơi lớn nhỏ. Song thực tế, nếu tính cả hồ bơi tại các khách sạn, chung cư, khu du lịch, số lượng này lên đến gần 30 hồ. Những ngày nắng nóng này, đặc biệt là cuối tuần, nhiều hồ bơi chật kín người.
Từ sau Tết đến nay, hầu như mỗi chiều, anh Nguyễn Thành Song (ở phường Hố Nai) lại đưa cả gia đình 5 người đi bơi tại Câu lạc bộ bơi lặn Sông Phố thuộc Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (phường Tân Phong). Dù mỗi tháng tốn khoảng 750 ngàn đồng tiền vé nhưng anh vẫn thích đến đây vì hồ đạt chuẩn. Theo anh Song, đi bơi có nhiều cái lợi: vừa để “giải” nóng, vừa để rèn luyện thể chất, cho các con học bơi để phòng chống đuối nước. “Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng, người đi bơi đông hơn nên bơi hay bị đụng người, không được sải cánh thoải mái cho lắm” - anh Song cho hay.
Tại hồ bơi Ngọc Phát Riverside (phường Thống Nhất) cũng thu hút khá đông trẻ em đến bơi và tập bơi. Hồ bơi này không lớn nhưng không gian đẹp, yên tĩnh và có quán cà phê, ăn sáng nên thường “một công đôi việc”: cha mẹ ngồi cà phê thư giãn, còn con thì bơi. Chị Trần Thị Yến Nhi (ở phường Quyết Thắng) cho biết, cứ cách ngày chị lại đưa cậu con trai đến hồ bơi này. “Bây giờ học căng quá nên tôi cho cháu đi bơi để thư giãn cũng như giúp cháu vận động thể chất, phát triển toàn diện. Đang mùa nắng nóng nên tôi đưa cháu đi bơi thường xuyên hơn”.
Giá dịch vụ tại các hồ bơi thường từ 30-50 ngàn đồng/lượt người lớn và từ 15-30 ngàn đồng/ lượt trẻ em. Ngoài ra, hiện nay nhiều chung cư: khách sạn tại TP.Biên Hòa cũng có hồ bơi như các chung cư: Amber court (phường Thống Nhất), The Pegasus (phường Quyết Thắng)... dành cho cư dân tại chỗ. Còn các khách sạn có hồ bơi như: The Mira Central Park (phường Tân Tiến), Aurora (phường Tân Mai)… ngoài khách lưu trú, người ngoài cũng được vào bơi nhưng giá vé khá đắt, từ 150-200 ngàn đồng/người/lượt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, số người đến bơi mùa này tăng 50-70%, riêng ngày cuối tuần tăng 100% so với ngày thường. Tại các hồ bơi còn có dịch vụ thuê đồ bơi nhưng người thuê không nhiều vì ngại vấn đề vệ sinh. Anh Trần Nam Thư (phường Tân Mai) thường đến tắm tại một hồ bơi ở phường Tân Phong cho hay: “Mùa hè đi tắm thì rất thích, nhưng đông người tắm nên nước hồ sẽ không thể sạch và có khi phải chờ phòng tắm sau khi bơi xong”.
* An toàn - vấn đề được quan tâm
Anh Nguyễn Ngọc Hiển, nhân viên cứu hộ hồ bơi Phương Nam (phường Trảng Dài) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán 2019, trời nắng nóng nên lượng người đến hồ bơi khá đông, có hôm lên đến hơn 200 người, tăng 120% so với dịp trước Tết. Nhiều phụ huynh không yên tâm khi con ở dưới nước một mình nên cũng xuống bơi với con. Khi có đông người tắm, để tránh sự cố không hay, nhân viên cứu hộ phải “căng mắt” quan sát, di chuyển liên tục quanh hồ bơi. Ngày thường chỉ có 1-2 nhân viên cứu hộ làm việc, nhưng cuối tuần nhân viên trực cứu hộ tại hồ bơi này được tăng cường gấp đôi để giám sát cũng như cứu hộ kịp thời, sợ nhất là trẻ em lén sang bơi ở hồ người lớn.
Trước khi xuống bơi phải khởi động cơ thể để tránh các sự cố trong khi bơi |
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết, dịch vụ hồ bơi ở Biên Hòa vẫn đang rất thiếu so với nhu cầu của một thành phố trên 1,2 triệu dân. Dù hiện nay các hồ đều được xây dựng đạt chuẩn về kích thước, về chất lượng nước, có các trang thiết bị cứu hộ, có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu, rào chắn an toàn giữa khu vực hồ người lớn và trẻ em, có nhân viên cứu hộ... nhưng vì thời tiết quá nắng nóng nên lượng người đến hồ bơi nhiều, phát sinh tình trạng hồ bơi “quá tải” so với mật độ chuẩn/diện tích hồ, từ đó cũng có khả năng gia tăng nguy cơ mất an toàn.
Một trong những vấn đề người đi bơi cũng như ngành thể thao quan tâm là vệ sinh nước hồ bơi. Mặc dù Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cũng phối hợp với Sở Y tế đi kiểm tra về chất lượng nước tại các hồ bơi, nhưng theo ông Thanh, người xuống hồ bơi càng đông thì nước hồ càng nhanh ô nhiễm. “Chúng tôi cũng khuyến cáo chủ các hồ bơi nên tăng số lần xử lý nước vào mùa nắng nóng có đông người đến tắm, để bảo đảm vệ sinh cho người đến bơi. Song thực tế ngành cũng khó kiểm soát hết được”.
Bơi lội không chỉ giải nhiệt mùa nắng, mà còn là môn thể thao đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe, giúp cơ thể phát triển toàn diện, có thêm kỹ năng chống đuối nước... Tuy nhiên, người bơi cần có kỹ năng, hồ bơi có nhân viên giám sát, cứu hộ kịp thời. Theo khuyến cáo của ông Thanh, để việc bơi lội được an toàn, phụ huynh nên đưa trẻ đi bơi ở những hồ bơi có đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là có nhân viên cứu hộ. Đặc biệt lưu ý cha mẹ không nên cho con tắm sông để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Nên nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, tai, mũi, họng trước và sau khi bơi Mùa nắng nóng đi bơi là một cách “chống nóng” khá hiệu quả. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên tắm ở hồ bơi ngoài trời nắng nóng để tránh tình trạng sốc nhiệt. Tốt nhất nên tắm vào buổi sáng và chiều muộn. Không nên xuống hồ bơi quá sớm vì trong nước lúc này còn tồn đọng chất tẩy rửa do quá trình khử khuẩn tối hôm trước sẽ gây khô và dễ kích ứng da. Không nên nhảy xuống bơi ngay khi mới đến, nhất là người có bệnh tim mạch. Đặc biệt, để tránh bị lây nhiễm một số bệnh, trước và sau khi bơi nên dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mắt, tai, mũi, họng. Ngoài ra, người có bệnh ngoài da, vết thương hở, đang bị các bệnh về đường hô hấp, đang hành kinh, mới ăn no… không nên xuống hồ bơi. Cần khởi động cơ thể và quan sát hồ trước khi xuống bơi Khởi động cơ thể trước khi xuống hồ bơi là rất cần thiết. Việc khởi động sẽ giúp các khớp được trơn tru khi thực hiện có những động tác bơi mạnh, giúp hạn chế tình trạng chuột rút, bong gân, hạn chế tình trạng thiếu máu đột ngột và tốt cho tuần hoàn. Trong khi khởi động cần chú ý quay các khớp cổ tay, khuỷu tay, vai, cổ chân, gối và hông - là những bộ phận thường cử động nhiều và mạnh trong quá trình bơi. Trước khi xuống hồ bơi, nên quan sát và không xuống hồ khi thấy nước có màu xanh bất thường, ngửi mùi clo đậm. Chỉ nên xuống bơi ở các hồ có màu nước trong tự nhiên, thấy rõ đáy bể; nước không bị đục hoặc có vật thể lạ. Nên tắm trước khi xuống hồ để giữ cho hồ bớt ô nhiễm. Tránh những hành vi xấu 6 năm dạy bơi ở Việt Nam, tôi được biết có tình trạng huấn luyện viên nam lợi dụng việc tập bơi cho các trẻ em gái để có những hành vi xấu. Khi còn ở Pháp, ngoài chứng nhận chuyên môn nghiệp vụ, huấn luyện viên môn bơi lặn phải học một khóa về đạo đức nghề nghiệp. Bởi trong huấn luyện người khác bơi lặn, thường có sự tiếp xúc gần giữa cơ thể huấn luyện viên và người học qua những cử chỉ ôm eo, nâng bụng, nắm tay, đỡ vai… Nếu huấn luyện viên có ý định không trong sáng, rất dễ thực hiện các hành vi xấu. Khi sang Việt Nam dạy bơi, thoạt đầu có những phụ huynh không muốn cho con gái học bơi với huấn luyện viên nam. Nhưng khi thấy tôi thường giữ một khoảng cách nhất định với người học, sử dụng những động tác “an toàn” cho người học nhưng vẫn giúp người học tiến bộ thì đã tin tưởng giao con cho tôi dạy bơi. Uyên Uyên (thực hiện) |
Phương Liễu