Tình trạng người dân nuôi chó cho chạy rông trong khu dân cư, ngoài đường…là điều rất nguy hiểm, vì ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, chó còn gây tai nạn, cắn, gây thương tích cho người đi đường,...
Tại bất cứ khu dân cư nào trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng, việc người dân nuôi chó nhưng không kiểm soát kỹ, để chạy rong trong khu dân cư, ngoài đường… là không hiếm. Tình trạng này rất nguy hiểm vì ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, chó còn gây tai nạn, cắn, gây thương tích cho người đi đường, thậm chí là cho chính chủ nhân của chúng.
Một khu dân cư ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), chó được nuôi nhưng không nhốt trong nhà mà để chạy ra khu dân cư là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho tính mạng, sức khỏe con người và gây mất vệ sinh khu dân cư. Ảnh: M.Thành |
Đi qua nhiều khu dân cư nằm ven các tuyến đường lớn hay khuất trong hẻm nhỏ, ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh những con chó được nuôi trong nhà nhưng chạy lang thang trên đường hay đuổi theo chực cắn người đi xe ngang qua...
* Những khu dân cư “ám ảnh” vì chó
Những con chó thả rông không chỉ gây nguy hiểm như cắn người, tạt ngang đầu xe làm người đi đường bị té hoặc va quẹt vào xe khác mà chúng còn phóng uế ra đường, các góc cột điện, bới các bao rác và tha rác đi nhiều nơi. Những cư dân sống trong các khu dân cư nuôi nhiều chó thả rông không tránh khỏi nỗi ám ảnh sợ bị chó cắn, mất ngủ khi ban đêm chó sủa nhiều.
Có thể kể ra một số nơi như hẻm 44, hẻm 22 (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hướng vào chùa Hoàng Ân và đình Tân Mỹ; khu dân cư đường Đặng Đại Độ gần đường vào chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa); hẻm hướng vào chùa Thanh Lương, đình Nguyễn Tri Phương (KP.4, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa)… đều có tình trạng chó nuôi nhưng ra đường phóng uế, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Chị Nguyễn Thị Kim (ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) than thở: “Gia đình tôi sống trong con hẻm nhỏ gần khu vực chùa Hoàng Ân. Tại các đường hẻm quanh đây có nhiều nhà nuôi chó và để chạy rong ra ngoài đường. Chúng bới rác, phóng uế gây ô nhiễm, mùa nắng thì hôi, mùa mưa thì trôi lềnh bềnh. Chưa kể, nhiều nhà còn để trẻ em chơi vô tư trong hẻm gần các con chó lớn, nên thỉnh thoảng vẫn xảy ra việc bị chó rượt cắn. Hằng ngày khi ra vào con hẻm này, cứ thấy cảnh chó phóng uế bừa bãi là tôi muốn nôn ọe. Tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng nhiều từ chuyện vô ý thức trong việc nuôi chó”.
Thực tế, một số người nuôi chó hầu như không để tâm đến những mối nguy mà chúng gây ra. Có những hộ nuôi nhiều chó nhưng không bao giờ nhốt trong nhà với lý do nhà hẹp, phóng uế hôi nhà hay đơn giản là quan niệm nuôi chó mà nhốt, xích sẽ khiến nó trở nên hung dữ. Điều này khiến những hộ dân trong các khu dân cư lo lắng, chịu đựng.
Ông Lê Văn Mỹ (ngụ KP.8, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ, để hạn chế nguy cơ chó tấn công người và gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan nên cấm tuyệt đối việc thả chó ra ngoài nơi công cộng mà không đeo rọ mõm và xích giữ chó, bởi nhiều vụ tai nạn thương tâm do những con chó chạy nhảy gây ra. Thường do cùng sống trong khu dân cư nên người dân ngại nhắc nhở hàng xóm nuôi chó thả rông, hơn nữa hiện nay mức chế tài đối với các hộ gia đình nuôi chó để thả rông ra đường vẫn còn quá thấp.
* Cần quyết liệt hơn để hạn chế
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), tổng đàn chó, mèo trong toàn tỉnh Đồng Nai là khoảng 200 ngàn con, trong đó chó chiếm 75%. Tính đến hết quý I-2019, mới có khoảng 100 ngàn con được tiêm phòng bệnh dại (chiếm tỷ lệ 50%).
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi ở thành phố thực hiện khá tốt, nhưng với đàn chó ở vùng nông thôn gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình nuôi đàn chó lớn để trông rẫy, trông vườn, khi nhân viên thú y đến tiêm phòng chủ nhà không có mặt hoặc không bắt giữ được chó để tiêm nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó ở vùng nông thôn không cao. Trong khi đó, việc tiêm phòng bệnh dại là trách nhiệm của người nuôi.
Bà con nuôi chó theo tập quán, thói quen từ nhiều năm nay. Những nguy hiểm khi bị chó cắn hay chó chạy rông ngoài đường gây tai nạn cho người tham gia giao thông thì ai cũng rõ, nhưng còn nhiều vấn đề khác như gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa. Trong các buổi họp tại khu dân cư, nhiều người dân có ý kiến phản ảnh các hộ nuôi chó hay thả ra đường, từ đó chính quyền địa phương cũng đã nhắc nhở nhiều lần. Nhưng tôi nghĩ cần phải tuyên truyền dài lâu bằng nhiều hình thức để dần nâng cao ý thức, thay đổi thói quen nuôi chó không nhốt của nhiều người. Anh Nguyễn Khắc Luân, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa: Người nuôi chó phải có trách nhiệm với vật nuôi Việc nuôi chó là quyền của mỗi người, mỗi nhà, nhưng người nuôi chó phải biết những nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng để có trách nhiệm nuôi giữ chó trong phạm vi nhà mình, không để chó chạy rông. Vì chó lang thang ngoài đường vừa mất vệ sinh, vừa mất an toàn, có thể gây ra những vụ việc thương tâm như cắn gây chết người hoặc gây tai nạn giao thông cho người đi đường. Ông Nguyễn Đức Tiến, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom: Hạn chế chó nhà tiếp xúc với người lạ Gia đình tôi cũng có nuôi 2 con chó với mục đích để giữ nhà. Với việc dành khu đất trống phía sau nhà để làm chuồng và nơi thả cho vật nuôi, gia đình rất ít khi thả chó ra ngoài đường. Phải giữ kỹ vì chó bị nhốt trong chuồng khi thả ra rất dữ, khả năng cắn người lạ rất cao. Nhiều năm trước tôi từng chứng kiến cảnh mất người thân khi bị chó dại cắn, vì vậy tôi hạn chế người lạ tiếp xúc và nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra. Minh Thành - Văn Chính |
Hiện chỉ có đàn chó, mèo của 5 xã: Gia Canh, Phú Tân, Ngọc Định, Thanh Sơn và thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) từng xảy ra 4 trường hợp bị chó cắn tử vong (vào năm 2013 và 2014) là được tiêm phòng dại miễn phí.
Thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh dại do UBND tỉnh phê duyệt, năm 2018 Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đã phối hợp với UBND TP.Biên Hòa xây dựng được 5 phường an toàn với bệnh dại là: Trung Dũng, Quang Vinh, Hòa Bình, Thanh Bình và Quyết Thắng.
Ông Bùi Ngọc Thao, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cho biết: “Trên thực tế, so với trước đây tình trạng các hộ gia đình nuôi chó thả rông tại khu vực công cộng vẫn còn diễn ra nhưng đã giảm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chính quyền địa phương lơ là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nuôi chó không được để thả ra ngoài đường gây ảnh hưởng đến người khác”.
Nhiều năm qua, chính quyền xã Hố Nai 3 cũng thường xuyên, liên tục tuyên truyền bằng các hình thức như qua loa truyền thanh của xã cũng như tại các buổi họp các tổ, khu dân cư.
Riêng vấn đề có nên lập đội đi bắt chó thả rông như một số địa phương từng làm, theo ông Thao, việc thành lập đội này là rất khó, bởi nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, không thể đầu tư xe chuyên chở, bố trí nguồn nhân lực.
Còn tại phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa cách đây vài tháng khi xảy ra tình trạng chó cắn người tại KP.4, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuống gặp chủ nuôi chó và kiểm tra tình trạng, đưa đi tiêu hủy sau khi cắn người.
Bên cạnh đó, vào các buổi họp dân, họp chi bộ tại địa phương, nhiều người dân, đảng viên cũng lên tiếng nhắc nhở nhau, nhắc nhở các hộ xung quanh về việc nuôi chó phải tự kiểm soát, không thả ra đường.
Bà Lê Kim Ngọc, Phó chủ tịch UBND phường Bửu Hòa cho biết thêm, nhiều gia đình có chó thả ra đường phóng uế hay gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương có xử phạt nhưng họ không đóng; mức phạt theo quy định quá nhẹ, khoảng 200 ngàn đồng nên không cưỡng chế được.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh không có ca nào tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, số ca tiêm phòng bệnh dại vẫn còn khá lớn. Năm 2018 toàn tỉnh có hơn 23 ngàn người và 2 tháng đầu năm 2019 có 3,6 ngàn người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng bệnh dại.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, bệnh dại có thể gây tử vong nếu không tiêm phòng kịp thời. Cách phòng bệnh dại tốt nhất là không để bị chó, mèo cắn. Nếu bị chó, mèo cắn, nên rửa nhanh vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tiếp tục theo dõi con chó sau khi cắn có phát dại không. Thời gian ủ bệnh sau khi bị chó cắn còn dài, ngắn tùy cơ địa từng người, nên đi tiêm phòng dại chậm nhất trong vòng 15 ngày. Đối với những vết chó cắn ở vị trí nguy hiểm (đầu, ngực, mặt, đầu ngón tay, ngón chân) cần đi tiêm phòng sớm.
M.Thành - V.Chính - P.Liễu