Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt rào chắn đường ngang, cần xử lý nghiêm

09:03, 04/03/2019

Lâu nay, hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) của người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang (đường bộ giao cắt với đường sắt) diễn ra khá phổ biến...

Lâu nay, hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) của người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang (đường bộ giao cắt với đường sắt) diễn ra khá phổ biến trong khi quy định xử phạt đối với hành vi đã có từ lâu.

Người tham gia giao thông cố vượt khi nhân viên đang đóng chắn tại trạm Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) Ảnh: M.QUÂN
Người tham gia giao thông cố vượt khi nhân viên đang đóng chắn tại trạm Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) Ảnh: M.QUÂN

Một trong những vi phạm phổ biến chính là người tham gia giao thông cố tình băng ngang đường sắt khi đã có tín hiệu dừng, thậm chí nhiều trường hợp còn vượt rào chắn khi nhân viên đang di chuyển hoặc đã đóng chắn.

* Cố vượt khi có báo hiệu tàu đến

Hình ảnh người tham gia giao thông cố tình phớt lờ báo hiệu như: tín hiệu đèn báo, chuông, nhân viên kéo gác chắn báo hiệu dừng lại khi tàu đến lâu nay khá phổ biến tại các khu vực có đường ngang, thậm chí nhiều trường hợp còn kéo gác chắn để chui qua khi chưa thấy tàu đến, bất chấp sự nhắc nhở của nhân viên.

Một số nhân viên gác chắn đường ngang cho biết, hiện nay tại các trạm gác chắn đều có camera quan sát, lực lượng cảnh sát giao thông có thể phối hợp cùng ngành đường sắt kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm thông qua việc trích xuất từ camera ghi hình để tăng tính răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm người tham gia giao thông qua đường ngang.

Tại gác chắn trên đường Phạm Văn Thuận, đoạn thuộc phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vào chiều tối ngày 27-2 khi có chuông báo hiệu tàu đến, đèn đỏ đã sáng nhấp nháy và đổ chuông cảnh báo nhưng phần lớn các phương tiện tham gia giao thông vẫn chưa dừng lại. Khi nhân viên gác chắn kéo barie vẫn còn một số xe cố tình lách qua, thậm chí khi tất cả các phương tiện đã dừng, tàu đã đến khá gần trong khi trời tối hạn chế tầm nhìn thì vẫn có trường hợp cố lách barie để băng qua đường sắt, phớt lờ tiếng còi nhắc nhở của nhân viên gác chắn.

Anh Nguyễn Xuân Hy, nhân viên gác chắn tại đây cho biết, tình trạng người tham gia giao thông cố vượt bất chấp tín hiệu dừng xe của nhân viên vẫn diễn ra thường xuyên lâu nay trong khi quy định cũng như mức xử phạt về hành vi này đã được quy định cụ thể tại Luật đường sắt, đường bộ cũng như nghị định hiện hành. Theo anh Hy, nhân viên gác chắn chỉ được phép yêu cầu dừng xe, nhắc nhở người tham gia giao thông chứ không được xử phạt hay có biện pháp gì khác nên rất khó để ngăn cản những trường hợp vi phạm ATGT khi có tàu đến, nhiều trường hợp khi nhân viên nhắc nhở bị chống cự, thậm chí hăm dọa, hành hung.

Chị Thái Thị Xuân, nhân viên gác chắn trạm Giang Điền (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) cũng cho biết, sợ nhất là những trường hợp người tham gia giao thông say xỉn hoặc các xe ô tô cố tình chạy nhanh để vượt qua khi nhân viên chuẩn bị kéo chắn. Nhiều trường hợp còn cố tình kéo chắn ngược lại để chạy xe qua dù chắn đã đóng. “Chúng tôi rất sợ những tình huống người dân cố vượt chắn khi tàu đang đến vì nhiều trường hợp bị té, thậm chí bánh xe lọt xuống đường ray vào lúc này sẽ rất nguy hiểm cho cả người lẫn đoàn tàu, ảnh hưởng lớn đến lưu thông đường sắt” - chị Xuân chia sẻ.

* Quy định chưa phát huy tác dụng

Quy tắc giao thông trong khu vực đường ngang cũng như quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về giao thông tại đường ngang đã được quy định cụ thể tại Thông tư 25/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - vận tải và Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, Thông tư 25 quy định, người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt; chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các biển báo trong phạm vi đường ngang. Ngoài ra, khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), còi, chuông, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn thì người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng trước vạch “Dừng xe”, nghiêm cấm hành vi tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng… Tất cả những hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo một số nhân viên tại các trạm gác chắn đường ngang, lâu nay rất ít trường hợp vi phạm bị xử phạt vì ít khi có lực lượng cảnh sát giao thông cũng như các lực lượng chuyên môn có thẩm quyền trực gác tại các trạm. Một nhân viên gác chắn tại trạm Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho rằng, còn nhiều trường hợp người dân chưa hiểu hết những quy định tại khu vực đường ngang nên tình trạng vi phạm tại các đường ngang còn khá phổ biến, nếu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm sẽ góp phần giảm các vi phạm cũng như giúp nhiều người hiểu rõ hơn những quy định khi lưu thông qua đường ngang.

Trao đổi về những vi phạm trong đường ngang của người tham gia giao thông, ông Nguyễn Bôn, Phó trưởng ban chuyên trách kiêm Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận định, lâu nay những trường hợp xảy ra tai nạn tại các đường ngang đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông các cấp cùng các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm ATGT đường ngang cùng phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có đường ngang nhằm kiểm soát tình hình lưu thông trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm nhằm tuyên truyền và nhắc nhở người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông tại những khu vực đường ngang.

Nghị định 46 quy định: Điều 46 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm như: vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, hầm khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm; dừng đỗ xe, quay đầu xe…đối với người đi bộ, người điều khiển các loại xe đạp, xe mô tô, xe máy, xe ô tô các loại sẽ bị phạt tiền từ 50 ngàn đồng đến 5 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động…

Minh Quân

Tin xem nhiều