Thời gian qua tại Đồng Nai, tình trạng bác sĩ bệnh viện công bỏ sang làm cho các bệnh viện tư đã khiến lãnh đạo nhiều bệnh viện đau đầu (Báo Đồng Nai số ra ngày 14-3 đã có chuyên đề phản ánh). Phần lớn những bác sĩ bỏ đi lại là những người có thâm niên trong nghề, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và giữ những trọng trách lớn trong bệnh viện. Vì sao những bác sĩ này bỏ đi?
Thời gian qua tại Đồng Nai, tình trạng bác sĩ bệnh viện công bỏ sang làm cho các bệnh viện tư đã khiến lãnh đạo nhiều bệnh viện đau đầu (Báo Đồng Nai số ra ngày 14-3 đã có chuyên đề phản ánh). Phần lớn những bác sĩ bỏ đi lại là những người có thâm niên trong nghề, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và giữ những trọng trách lớn trong bệnh viện. Vì sao những bác sĩ này bỏ đi?
Bạn bè tôi làm bác sĩ khá nhiều, qua tâm sự, nhiều anh em cho biết họ bỏ đi, lý do thu nhập cao chưa phải là yếu tố quyết định, bởi có những anh chị kinh tế đã rất ổn, tiền không phải là thứ quan trọng với họ, nhưng họ vẫn dứt áo đi khỏi nơi mà mình gắn bó hàng chục năm qua…
Một bác sĩ ngoại khoa đã bỏ việc ở một bệnh viện tuyến huyện, hiện đang làm cho một bệnh viện tư ở Bình Dương 3 năm nay cho hay, anh đi để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn, tìm kiếm nơi có thể giúp anh phát triển được chuyên môn của mình. Anh nói, anh vẫn trân trọng bệnh viện cũ - nơi đã tạo cho anh một chỗ đứng từ khi mới ra trường, nhưng anh lại không thể tiếp tục cống hiến mãi cho nơi này.
Bên cạnh đó, còn là chuyện bác sĩ phải họp hành quá nhiều, phải buộc làm những hoạt động ngoài chuyên môn… Đặc biệt là thái độ thiếu công tâm của lãnh đạo bệnh viện dành cho những bác sĩ không thuộc “ê-kíp” của mình, mất cơ hội được học tập, trau dồi kinh nghiệm tại các hội nghị chuyên môn lớn trong và ngoài nước…
Theo những người bạn ngành y mà tôi đã gặp, đã trao đổi thì với bác sĩ, họ cần nhất là môi trường thuận lợi để có thể tập trung nghiên cứu, phát huy hết năng lực của mình vào sự nghiệp cứu người. Bởi y khoa là một ngành khoa học, là một ngành nhạy cảm do liên quan đến tính mạng con người… nếu họ không được tạo điều kiện, tạo môi trường nghiên cứu, làm việc, chuyên môn của họ sẽ “cùn” dần, lạc hậu dần.
“Giữ chân” bác sĩ trong thời kinh tế thị trường, khuyến khích về mặt vật chất là điều kiện “cần”, nhưng chưa đủ. Cái “đủ” ở đây chính là sự tin tưởng, động viên, chia sẻ trong công việc, môi trường để có thể kích thích bác sĩ phát triển chuyên môn, để đội ngũ thầy thuốc thấy mình được trọng dụng và có ích cho bệnh viện, bệnh nhân.
Thành Phương
(phường Tân Phong, TP.Biên Hòa)