Hồi mới sang New Zealand học tập, đi đâu tôi cũng thường nghe câu hỏi của những người địa phương: "Bạn là người Trung Quốc phải không?".
Hồi mới sang New Zealand học tập, đi đâu tôi cũng thường nghe câu hỏi của những người địa phương: “Bạn là người Trung Quốc phải không?”. Ban đầu tôi nghĩ đó là do vấn đề về chủng tộc, các dân tộc thuộc chủng tộc da vàng, nhất là khu vực Đông Nam thường có đặc điểm nhân học tương tự nhau nên bị nhận nhầm giữa người Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí là Nhật Bản cũng bình thường, cũng giống như dân mình thường khó phân biệt đâu là người Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha… nên thường gọi chung là “Tây”. Nhưng sau này khi tạo được mối quan hệ thân thiết hơn với hàng xóm láng giềng xung quanh, biết tôi là người Việt Nam thì những người bạn New Zealand lại đặt câu hỏi: “Bạn có bao nhiêu phần trăm dòng máu/gen của người Trung Quốc?”.
Lạ lùng trước câu hỏi trên, tôi hỏi đến tận cùng thì té ngửa trước một “sự thật” bất ngờ. Thì ra trong nhận định của nhiều người dân TP.Chrischurch, nơi tôi học tập, Việt Nam từ nhiều năm nay đang chịu sự “đô hộ” của Trung Quốc, vì thế phần lớn người Việt Nam đã bị người Trung Quốc “đồng hóa”. Nhận định ấy được hình thành từ thông tin của các trang web, mạng xã hội. “Nói có sách, mách có chứng”, các bạn New Zealand cho tôi xem một số trang web tiếng Anh, trong đó nhan nhản những thông tin xuyên tạc về tình hình đất nước Việt Nam, nào là người Trung Quốc hiện đang tràn ngập và “bá chiếm” hầu hết đất đai, vị trí chiến lược của Việt Nam, nào là các nhà lãnh đạo đất nước ta đang chịu sự “chỉ đạo” của chính quyền Trung Quốc, “dâng” đất đai cho “Trung Cộng”…
Theo tôi biết, những trang web, mạng xã hội đưa các thông tin xuyên tạc trên là của các nhóm thế lực chống phá Nhà nước Việt Nam. Vì thế, hơn lúc nào hết tôi càng cảm thấy rằng quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là vô cùng đúng đắn, kịp thời. Thời gian qua, nhiều bài viết, thông tin chính thống về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, vạch trần bộ mặt dối trá, âm mưu gây chia rẽ của các thế lực thù địch đã được các cơ quan truyền thông, báo điện tử, các trang web và mạng xã hội thực hiện. Tuy nhiên, dường như cho đến nay các thông tin đấu tranh phản bác chủ yếu chỉ bằng tiếng Việt. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cũng nên chú trọng đến thông tin tuyên truyền bằng tiếng Anh và các thứ tiếng khác như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… để không chỉ phản bác thông tin sai trái mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trung thực, gần gũi, thân thiện trong con mắt của bạn bè quốc tế, giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu và tin tưởng, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn trong môi trường quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Quang Huy (từ New Zealand)