Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều giải pháp hạn chế "tín dụng đen"

09:01, 13/01/2019

Trong thời gian tới, người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Đây được xem là một trong những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng "tín dụng đen".

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.

Trong thời gian tới, người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Đây được xem là một trong những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông PHẠM QUỐC BẢO, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân.

* Thưa ông, trước tình trạng “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã làm gì để tham gia phối hợp xử lý tình trạng trên?

- Việc xử lý tình trạng “tín dụng đen” cần có sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. NHNN Việt Nam đang tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành có thẩm quyền rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, xây dựng khuôn khổ pháp lý để góp phần hạn chế tối đa các hệ lụy do hoạt động “tín dụng đen” gây ra.

Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai luôn có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm góp phần hạn chế được “tín dụng đen”.

Song song với công tác tuyên truyền giúp người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng để chủ động tiếp cận với nguồn vốn, đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi người vay gặp khó khăn... NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động để giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn “tín dụng đen”.

Chúng tôi khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch. Ngoài ra, tạo điều kiện cho hệ thống các tổ chức tài chính vi mô phát triển theo hướng minh bạch với mức lãi suất phù hợp, hoạt động an toàn, hiệu quả, không tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi. Mở rộng mạng lưới của Ngân hàng chính sách xã hội - là kênh tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác... Một giải pháp nổi bật của NHNN là nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ.

* Ông có thể cho biết cụ thể đối tượng nào được áp dụng chính sách này?

- Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã quy định: nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. 

Ngoài ra, để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án, bao gồm: khách hàng có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khách hàng doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm.

* Có ý kiến cho rằng người dân tìm đến “tín dụng đen” là do thủ tục vay ở các tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp… Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Trước tiên, chúng ta phải hiểu nguyên nhân dẫn đến “tín dụng đen” là do nhu cầu cần vốn gấp, cần vốn nhanh của cá nhân và tổ chức.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. (ảnh minh họa)
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. (ảnh minh họa)

Một số khách hàng ngại tiếp xúc với ngân hàng do sử dụng vốn vào các mục đích không chính đáng như: cá độ bóng đá, cờ bạc…; một số khách hàng đang có nợ đến hạn phải trả ngân hàng nhưng chưa có nguồn trả nợ nên tìm đến “tín dụng đen” để vay tạm đáo nợ ngân hàng. Ngoài ra, cũng có một số khách hàng làm ăn chính đáng thiếu vốn tạm thời nhưng ngại tiếp xúc kênh tín dụng chính thống do thủ tục vay phức tạp, thời gian vay giải quyết phải đúng theo quy định.

Chính vì vậy, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thời gian tới ưu tiên vốn phục vụ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và dành nguồn vốn nhất định để phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống người dân. Đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống. Phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp với những đối tượng ở những vùng khó khăn, chưa dễ dàng tiếp cận được với tín dụng ngân hàng.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích