Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về cách nhận biết, phát hiện, xử lý tiền giả như thế nào cho đúng luật, ông LÊ TRUNG KIÊN, Trưởng phòng Tiền tệ, kho quỹ và hành chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết:
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng phòng Tiền tệ, kho quỹ và hành chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về cách nhận biết, phát hiện, xử lý tiền giả như thế nào cho đúng luật, ông LÊ TRUNG KIÊN, Trưởng phòng Tiền tệ, kho quỹ và hành chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết:
Việc tàng trữ, lưu hành tiền giả là vi phạm pháp luật. Hiện nay, tội phạm làm và tiêu thụ tiền giả với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi gây nhầm lẫn cho nhiều người. Do đó, nếu nắm bắt các đặc điểm bảo an của tiền thật người dùng có thể nhận biết đâu là tiền giả để không trở thành nạn nhân của bọn tội phạm.
Thưa ông, đâu là đặc điểm dễ nhận biết nhất của tiền giả?
- Tiền giả dù tinh vi đến mấy cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có yếu tố bảo an; hoặc có làm giả một số chi tiết nhưng không tinh xảo nên có thể nhận biết được. Để xác định được tiền giả, phải lấy tờ tiền thật cùng loại so sánh tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an cơ bản như: hình bóng chìm, dây bảo hiểm, mực in lõm (nét in nổi), mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím…
Một số cách nhận biết đơn giản mà nhiều người thường làm là soi tờ tiền polymer dưới nguồn sáng, các hình bóng chìm trên tiền giả thường không tinh xảo, các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, ít sắc nét; hình định vị không khớp khít... Mặt khác, khi vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra độ nổi in ở chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” thì tiền giả trơn lì, không nhám ráp như tiền thật; hoặc có cảm giác gợn tay là do vết dập trên nền giấy chứ không phải do độ nổi của nét in.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản thu giữ 186 tờ tiền polymer giả, trong đó có 25 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng; 82 tờ 200 ngàn đồng; 28 tờ 100 ngàn đồng và 51 tờ 50 ngàn đồng. |
Còn có một cách kiểm tra tiền rất hiệu quả và rất dễ áp dụng, đó là dùng tay vo tờ tiền polymer sau đó thả ra nếu tờ tiền bung ra và không bị nhăn, không để lại nếp gấp thì đó là tiền thật, ngược lại đó là tiền giả.
Khi phát hiện tiền giả, người dân phải xử lý như thế nào cho đúng luật, thưa ông?
- Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đều phạm tội hình sự và có thể sẽ chịu mức hình phạt nghiêm khắc.
Vì vậy, người dân khi phát hiện tiền giả phải đem nộp cho các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý tiền tệ như: kho bạc, các ngân hàng thương mại hoặc cơ quan công an gần nhất để xử lý theo quy định. Mọi hành vi cố ý tìm cách sử dụng tiền giả để mua hàng hóa đều là phạm pháp. Ngoài ra, luật cũng quy định ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, ngân hàng thương mại, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi người dân đem nộp tiền giả phải tiến hành lập biên bản và thu giữ; kể cả khi nghi là tiền giả thì ngân hàng cũng phải giữ lại để giám định. Trường hợp người dân đem tiền đến giao dịch tại các tổ chức tín dụng, nếu phát hiện có tiền giả thì nơi đây sẽ lập biên bản tịch thu.
Ngoài hình thức tịch thu, có giải pháp nào để người dân cảnh giác với tiền giả?
- Thông tư 28/2013/TT-NHNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả nêu rõ: khi phát hiện tiền giả ngân hàng thực hiện tịch thu. Nếu tiền giả có số lượng từ 5 tờ hoặc 5 miếng tiền kim loại trở lên trong một giao dịch thì ngân hàng sẽ tiến hành thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
Nhân viên kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai kiểm tra, bấm lỗ tiền giả. |
Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, nếu phát hiện tiền nghi giả, ngân hàng lập biên bản và thu giữ số tiền giả này. Khi tịch thu tiền giả, ngân hàng phải đóng chữ “tiền giả” lên 2 mặt của tờ tiền đó, đồng thời bấm lỗ trên tờ tiền giả để sau này có thể nghiên cứu, giảng dạy, tập huấn cho cán bộ ngân hàng hoặc tiêu hủy.
Để giảm thiểu rủi ro về tiền giả cũng như những tổn thất của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người nghèo, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai rất chú trọng công tác tuyên truyền về vấn đề này.
Chúng tôi đề nghị ngoài các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước niêm yết áp phích hướng dẫn người dân phân biệt tiền thật, tiền giả thì chính quyền địa phương cần tăng cường thông tin, phát cuốn hướng dẫn cách xử lý tiền giả tại trụ sở làm việc và khu vực đông dân cư nhằm giúp người dân cảnh giác trước những thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của bọn tội phạm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm; tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này khi bị phát hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 1-3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Kim Liễu (thực hiện)