Báo Đồng Nai điện tử
En

Mòn mỏi chờ điện

10:09, 08/09/2018

Hàng chục hộ dân tổ 2 và 3 (thuộc ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đang sống trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó, hệ thống lưới điện trung thế đã hoàn thành gần 2 năm nay.

Hàng chục hộ dân tổ 2 và 3 (thuộc ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đang sống trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó, hệ thống lưới điện trung thế đã hoàn thành gần 2 năm nay.

Đồng hồ điện phụ của những hộ dân câu móc từ nhà khác gắn tạm bợ trên cây không đảm bảo an toàn. Ảnh: M.QUÂN
Đồng hồ điện phụ của những hộ dân câu móc từ nhà khác gắn tạm bợ trên cây không đảm bảo an toàn. Ảnh: M.QUÂN

Theo phản ảnh của người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính quyền địa phương chưa có sự thống nhất về số tiền dân phải đóng để kéo đường dây hạ thế, khiến cho thời gian chờ đợi kéo dài.

* Nông dân cần điện

Đường vào khu dân cư tổ 2 và 3, ấp 2, xã Thanh Sơn dài khoảng 2km nhưng phải vất vả lắm chúng tôi mới qua khỏi những đoạn đường gồ ghề, trơn trượt bởi trời mưa liên tục những ngày qua. Giao thông trắc trở là vậy, song điều khiến nông dân nơi đây mong chờ nhất không phải là con đường mới mà là điện để sinh hoạt và phát triển sản xuất. 

Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết việc hỗ trợ các địa phương kéo đường dây điện hạ thế được thực hiện gần 10 năm nay theo Nghị quyết 25/2011/NQ-HĐND của HĐND huyện, trong đó quy định cụ thể cho từng mức hỗ trợ. Vì vậy, việc tăng hỗ trợ cho người dân ở tổ 2 và 3 (ấp 2, xã Thanh Sơn) để kéo đường dây điện hạ thế là không thể giải quyết vì để bảo đảm công bằng cho những địa phương khác. Vấn đề ở đây là xã phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia xã hội hóa đường điện.

Khát khao có điện đến mức một số hộ gia đình chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để kéo đường dây từ tổ khác về. Một trong những nông dân đó là ông Nguyễn Quang Vinh (ngụ tổ 2) đã đầu tư gần 60 triệu đồng để kéo đường điện dài khoảng 1km vào tận nhà. Ông Vinh cho biết lắp đặt đường điện từ năm 2014, chủ yếu phục vụ tưới cho 3 hécta xoài, sử dụng sinh hoạt trong gia đình. Trường hợp ông Vinh nhờ có điều kiện kinh tế nên mới mạnh dạn đầu tư dường dây điện với mong muốn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay mạng lưới điện trung thế ở tổ 2 và 3 chỉ để dầm mưa dãi nắng, trong khi nhu cầu sử dụng điện của bà con nơi đây rất lớn.

Ông Lê Tấn Hiệp (ngụ tổ 3, ấp 2) chia sẻ nhiều năm nay gia đình ông phải dùng điện của hộ ở tổ khác với giá 4 ngàn đồng/kWh, nhưng chủ yếu để bật đèn chiếu sáng và dùng quạt vào giờ trưa. Không chỉ ông Lê Tấn Hiệp, nhiều gia đình khác cũng cùng cảnh ngộ mong chờ nguồn điện dù đường trung thế đã hoàn thành từ lâu. Nhìn ra trụ điện của đường dây trung thế ngay trước cửa nhà mình, ông Hiệp bức xúc: “Muốn có đèn điện chiếu sáng tôi phải bật từ 16 giờ rồi để đó. Bởi đến tối mới bật công tắc là bóng đèn nhảy loạn lên, không sáng được vì điện quá yếu. 2 năm trước thấy ngành điện kéo đường dây điện trung thế về tổ 2, tổ 3 người dân rất mừng. Nhưng chẳng hiểu vì sao, đến nay những trụ điện dường như chỉ đứng “thi gan” với nắng mưa trước sự chờ đợi mòn mỏi của người dân”.

* Nguy cơ mất an toàn điện

Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng phổ biến nên các gia đình ở 2 tổ mong chờ điện tìm mọi cách kéo điện từ nơi khác về. Đến nay, cặp theo hàng cây bên đường đều chi chít dây điện đan xen vào nhau; có đoạn dây điện sà ngang tầm tay rất nguy hiểm. Đáng lo nhất là khu vực tập trung đồng hồ điện phụ của các hộ xài ké đồng hồ chính được gắn tạm bợ trên cây đều không được che chắn, bảo quản.

Đường dây điện trung thế ở tổ 2 và 3 thuộc ấp 2, xã Thanh Sơn bỏ không gần 2 năm, trong khi người dân trông ngóng điện từng ngày.
Đường dây điện trung thế ở tổ 2 và 3 thuộc ấp 2, xã Thanh Sơn bỏ không gần 2 năm, trong khi người dân trông ngóng điện từng ngày.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, một trong những hộ có đồng hồ điện phụ gắn trên cây, thừa nhận sử dụng điện tự phát kiểu này không đảm bảo an toàn. “Gần 2 năm nay xã đã mấy lần họp với dân nhưng vẫn chưa đưa ra số tiền cụ thể để làm đường điện hạ thế. Chúng tôi chỉ nghe qua người này, người kia bàn nhau số tiền đóng khoảng 6-9 triệu đồng/hộ. Khoản tiền này đối với những gia đình khó khăn là rất lớn, khó có thể lo đủ. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương xem xét lại, đồng thời công khai cụ thể các khoản thu - chi khi triển khai đường dây điện hạ thế” - bà Lệ nói.

Trao đổi về tình trạng đường điện trung thế bỏ không gần 2 năm nay trong khi người dân chưa có điện sử dụng, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho biết theo kế hoạch đường điện trung thế sau khi hoàn thành sẽ được hạ thế để phục vụ cho khoảng 70 hộ dân tổ 2 và 3 của ấp 2. Kinh phí hạ thế là nguồn xã hội hóa, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40%, nhân dân đóng 60%. Tuy nhiên, do đã có gần 50 hộ dân thuộc tổ 3 tự bỏ chi phí kéo đường dây điện từ nơi khác về sử dụng nên những hộ này không đồng ý đóng thêm tiền hạ thế. “Chúng tôi đang lập báo cáo kỹ thuật hệ thống đường dây điện hạ thế cho khoảng 22 hộ của tổ 2 lâu nay xài điện giá cao. Sau khi tính toán chi tiết, chúng tôi sẽ đưa ra bảng giá cụ thể và thông báo rộng rãi đến người dân. Cái khó ở đây là 22 hộ kể trên nằm cách nhau khá xa nên chi phí đầu tư đường dây điện khá lớn, nhiều khả năng một số hộ không có điều kiện đóng góp” - ông Sơn nhấn mạnh.

Minh Quân

Tin xem nhiều