Báo Đồng Nai điện tử
En

Hơn 2 năm ngóng đường 10A

10:09, 11/09/2018

Nắng bụi, mưa sình, gập ghềnh, nguy hiểm… là những gì mà người dân ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) phải đối mặt mỗi khi đi lại trên đường 10A của địa phương.

Nắng bụi, mưa sình, gập ghềnh, nguy hiểm… là những gì mà người dân ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) phải đối mặt mỗi khi đi lại trên đường 10A của địa phương.

Đường 10A (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) dù đã được gia cố nền nhưng gần đây bị xe cải tiến cày nát.
Đường 10A (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) dù đã được gia cố nền nhưng gần đây bị xe cải tiến cày nát.

Đường 10A chỉ dài hơn 1km, nhiều hộ dân đã đóng tiền xã hội hóa để làm con đường này nhưng hơn 2 năm nay công trình vẫn chưa hoàn thành.

* Đóng tiền để... ngóng đường

Đường 10A đất đỏ đã gắn bó với người dân ấp Bể Bạc suốt thời gian qua. Đây là tuyến đường ngoài việc giúp cho việc đi lại thuận lợi còn gánh vác trách nhiệm chuyên chở nông sản, phân bón. Vì thế, mỗi ngày mật độ người và xe lưu thông qua đường 10A khá lớn, đặc biệt là vào mùa thu hoạch, mỗi ngày có cả trăm chiếc xe cải tiến chở nông sản dồn dập ra vào.

Ông Lê Văn Hải, Trưởng ấp Bể Bạc cho biết sau khi đường 10A hoàn tất, ấp sẽ xin UBND xã cho thành lập tổ tự quản đường để kiểm tra, giám sát các xe cải tiến chở nông sản. Nếu phát hiện xe chở quá tải, ngoài việc buộc tháo dỡ bớt hàng xuống còn bị phạt một khoản tiền để gây quỹ duy tu, sửa chữa khi đường bị hư hỏng.

Hôm chúng tôi đến, dù mưa trước đó đã 2 ngày nhưng trên đường 10A chi chít những hố voi, ổ gà đọng đầy nước; nhiều đoạn sình lầy ngập ngụa khiến người điều khiển xe 2 bánh rất vất vả mới qua được. Một số nông dân đi trên đường bộc lộ sự ngán ngẩm khi hằng ngày buộc phải đi trên con đường trước những hiểm nguy rình rập. Người dân địa phương cho rằng, thời gian gần đây đường 10A xuống cấp nặng nề, nguyên nhân là do xe cải tiến chở nông sản quá tải nên cày nát mặt đường.

Anh Phan Hưng (ngụ tổ 10, ấp Bể Bạc) hằng ngày đều đưa vợ đi dạy và con đi học trên đường này cho biết cả nhà anh thường phải vật lộn với những đoạn đường xấu. “Những hôm trời mưa, đường trơn trượt nên không ít lần xe bị đổ khiến vợ chồng, con cái quần áo bê bết bùn đất. Có khi đang đi thì bị xe cải tiến chạy qua làm văng sình từ đầu đến chân. Nhiều lần vợ con tôi còn mang theo quần áo dự phòng để nếu bị té ngã dơ quần áo có cái để thay” - anh Hưng nói. Chán ngán cảnh đường sá đi lại khổ sở, mới đây gia đình anh Hưng đã chuyển nhà đi nơi khác sinh sống.

Đường 10A được phát động dân cư tham gia xã hội hóa từ năm 2016. Lúc ấy, nôn nóng về một con đường khang trang nên người dân ấp Bể Bạc rất tích cực hưởng ứng. Chẳng hạn gia đình ông Phan Đức Phúc (nhà ở tổ 10) đã đóng 17/19 triệu đồng theo phân bổ. Nói về đường 10A thực hiện thi công không đúng tiến độ, ông Phúc bức xúc: “Hồi đó xã khẳng định sẽ hoàn thành đường mới trước mùa mưa năm 2017, nhưng đã sắp hết mùa mưa năm 2018 mà công trình vẫn dang dở. Hôm rồi trong tổ 10 có người bị bệnh nặng nhưng xe cấp cứu không vào được vì đường nát bét”.

* Chờ đến bao giờ?

Trong ấp Bể Bạc hiện có không ít gia đình gặp khó khăn, nhưng vì mong muốn sớm có con đường mới nên một số hộ đã vay ngân hàng để đóng cho địa phương. Nhiều hộ đã đóng từ 50%-70% số tiền xã hội hóa đường 10A; có những hộ nộp đủ khoản tiền theo quy định nhưng công trình vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Trao đổi về việc thi công chậm trễ đường 10A ấp Bể Bạc, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Tống Trần Dương cho biết hồ sơ thiết kế của đường này ban đầu dài 880m, mặt đường rộng 2,5m, 2 bên có hành lang 0,5m và mương thoát nước. Kinh phí đầu tư công trình khoảng 1 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 70%, còn những hộ dân có nhà, đất liên quan đến đường 10A đóng 30%. Tháng 3-2017, sau khi được UBND huyện phê duyệt xã tiến hành thu tiền của người dân đồng thời chỉ định thầu. đơn vị thi công đã tiến hành làm phần hạ tầng như: mương thoát nước 2 bên đường, đổ đá nền hạ, lu lèn bằng phẳng để chuẩn bị đổ bê tông. Song, trong quá trình triển khai bà con kiến nghị làm thêm 150m của một nhánh khác tiếp nối vào đường 10A nên kéo dài đường thành 1.030m, dẫn đến kinh phí đội thêm gần 200 triệu đồng. Từ phát sinh này, xã phải báo cáo lên huyện và làm lại hồ sơ kỹ thuật cho toàn tuyến. Tháng 3-2018, huyện chấp nhận và cho chủ trương tiếp tục thi công. Tuy nhiên, thời điểm đó bắt đầu vào mùa mưa và đang vụ thu hoạch nông sản nên công trình tạm ngưng.

Tính đến thời điểm này, phần hạ tầng suốt tuyến đường đã thực hiện  xong. Cái khó ở đây là hiện tại dân cư đóng góp tiền làm đường chỉ khoảng 191/395 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 48% nên chưa thể tiếp tục thi công. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng
10-2018 khi bớt mưa, đồng thời bà con đã thu hoạch xong mùa vụ thì công trình sẽ được hoàn thành với điều kiện kinh phí xã hội hóa thu đạt 70% thì xã mới cho đổ bê tông đường 10A.

Phương Liễu

Tin xem nhiều