Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học tại các địa phương, các ngành cùng phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo khoa học trong giới học sinh, sinh viên, công nhân lao động, nông dân, Đồng Nai phát triển rất mạnh mẽ. Thế nhưng, từ nghiên cứu tới ứng dụng vẫn còn một khoảng cách.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ. |
Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học tại các địa phương, các ngành cùng phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo khoa học trong giới học sinh, sinh viên, công nhân lao động, nông dân, Đồng Nai phát triển rất mạnh mẽ. Thế nhưng, từ nghiên cứu tới ứng dụng vẫn còn một khoảng cách.
Trao đổi về vấn đề này, bà NGUYỄN THỊ HOÀNG, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ cho biết ngành đang nỗ lực kéo gần khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng để các đề tài sau khi nghiệm thu được ứng dụng, đem lại hiệu quả thiết thực.
Bà đánh giá thế nào về chất lượng những nghiên cứu khoa học và các giải pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo khoa học thời gian qua?
- Việc khuyến khích và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến, sáng tạo kỹ thuật… luôn được Sở Khoa học - công nghệ quan tâm. Ngoài những đề tài nghiên cứu từ các địa phương, các ngành đề xuất thì Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh và Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia với mỗi năm từ 400-500 giải pháp. Đây là những sân chơi trí tuệ, nơi giao lưu học tập và trao đổi giữa những người đam mê sáng tạo khoa học, kỹ thuật.
Mỗi năm, chất lượng các giải pháp nghiên cứu đều tăng cao, có những cải tiến vượt trội, trong đó có những giải pháp khoa học được nghiên cứu rất bài bản, nghiêm túc. Nhiều đề tài nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật trong các lĩnh vực giáo dục, sản xuất kinh doanh, cơ khí, môi trường, y tế… đưa vào ứng dụng đạt kết quả cao, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng, góp phần giảm chi phí đầu tư cũng như mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.
Thực tế vẫn còn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, những sáng kiến, cải tiến, giải pháp sáng tạo kỹ thuật sau khi đoạt giải, sau nghiệm thu thì… xếp cất. Theo bà đâu là nguyên nhân?
- Ngoài những đề tài nghiên cứu theo địa chỉ của các địa phương, các ngành xuất phát từ thực tiễn hoặc được “đặt hàng” để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ công tác chuyên môn của ngành đó, thì hầu hết các giải pháp của nông dân, người lao động, sinh viên khi đoạt giải đều là những giải pháp chứng minh được tính mới, tính hiệu quả và tính khả thi.
Một giải pháp kỹ thuật của Công ty TNHH Nec Tokin Electronics Việt Nam do nhóm tác giả Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng nghiên cứu thực hiện dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật năm 2017. Ảnh: Vũ Văn |
Tuy nhiên, việc nhân rộng giải pháp, thương mại hóa và chuyển giao ứng dụng thực tế của nhiều giải pháp còn là bài toán khó. Có 2 nguyên nhân, trước hết là phụ thuộc vào bản chất giải pháp và nhu cầu của thị trường. Mỗi giải pháp có một phạm vi ứng dụng riêng, đối tượng tiếp nhận riêng. Do đó, việc liên kết và tìm kiếm các đối tượng phù hợp để chuyển giao vẫn là việc khó khăn. Thứ hai: đòi hỏi nhiều hơn kỹ năng quản lý và thương mại hóa thành công tài sản trí tuệ của tác giả nói riêng và chủ sở hữu giải pháp nói chung. Mà thực tế nhiều tác giả chưa đạt được kỹ năng này.
Thời gian tới, Sở Khoa học - công nghệ có những giải pháp nào nhằm phát huy phong trào nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng thực tiễn, đem lại lợi ích cộng đồng, góp phần “cất cánh” hoạt động khoa học - công nghệ của Đồng Nai, thưa bà?
Đồng Nai là tỉnh duy nhất trong cả nước hằng năm đều tổ chức được các phong trào, hội thi phát huy sáng kiến, sáng tạo khoa học. Hoạt động này làm nên thương hiệu của khoa học - công nghệ Đồng Nai trong việc phát động và đẩy mạnh phong trào Toàn dân tiến quân vào khoa học công nghệ. Tính từ năm 1990-2017 Đồng Nai đã có 5.519 giải pháp tham gia các phong trào, hội thi, trong đó có 1.169 giải pháp đoạt giải. |
- Sở vẫn sẽ duy trì và nâng tầm sân chơi sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Hoạt động này sẽ khuyến khích và huy động được ngày càng nhiều người tham gia chia sẻ những sáng kiến, sáng tạo của mình với cộng đồng; tham mưu UBND tỉnh tăng mức tiền thưởng đối với những cống hiến sáng tạo của các tác giả đoạt giải cao, từ đó tạo động lực và giá trị tôn vinh tương xứng với những đóng góp mà các tác giả mang lại, đồng thời bù đắp phần nào chi phí nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện sản phẩm của tác giả; quan tâm hỗ trợ các yêu cầu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để bảo vệ những sáng tạo của tác giả; xây dựng đề án “Không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” nhằm tạo môi trường thuận lợi cho những cá nhân, tập thể nghiên cứu tham gia khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, sở xây dựng “Phòng trưng bày sản phẩm công nghệ” như một mô hình “Chợ thiết bị công nghệ” thu nhỏ để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, nhằm chia sẻ kết quả, giá trị ứng dụng cao của các nghiên cứu, sáng tạo.
Xin cảm ơn bà!
Phương Liễu (thực hiện)