Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

07:03, 24/03/2018

Điệp khúc mùa khô thiếu nước sinh hoạt đã kéo dài từ nhiều năm nay tại một số địa phương của huyện Định Quán, khiến cuộc sống hàng ngàn người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Điệp khúc mùa khô thiếu nước sinh hoạt đã kéo dài từ nhiều năm nay tại một số địa phương của huyện Định Quán, khiến cuộc sống hàng ngàn người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Mỗi xe nước 2m3 có giá 80 ngàn đồng được chở đi bán ở các xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định (huyện Định Quán). Ảnh: M.QUÂN
Mỗi xe nước 2m3 có giá 80 ngàn đồng được chở đi bán ở các xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định (huyện Định Quán). Ảnh: M.QUÂN

Nghiêm trọng nhất phải kể đến các xã: Ngọc Định, Phú Ngọc, La Ngà. Đây là những xã nằm gần sông La Ngà nhưng vào mùa khô thì nguồn nước cạn kiệt. Để có nước sinh hoạt các hộ phải đi mua nước giếng khoan từ các hộ may mắn tìm được nguồn nước ngầm ở các xã lân cận.

* “Chạy” nước mùa khô

Trước những bức xúc về nước sạch trong sinh hoạt cho người dân, Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết nhiều năm nay huyện rất quan tâm, tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ cho người dân tại các xã trên nhưng chưa được. “Dự kiến UBND tỉnh sẽ giao cho Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đầu tư xây dựng dự án cấp nước cho các hộ thiếu nước tại địa phương. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp cùng đơn vị đầu tư tiến hành các thủ tục theo quy định trong thời gian sớm nhất” - ông Trần Quang Tú nói.

Những ngày này đi trên các tuyến đường ở khu vực xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, hình ảnh những chiếc xe chở nước chạy ngược xuôi, len lỏi trong những khu dân cư để cấp nước cho người dân đã trở nên quá quen thuộc đối với nhiều người. Đáng chú ý nhất, xã Phú Ngọc có khoảng 4 ngàn hộ dân nhưng gần 90% số hộ dân trong xã thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. “Có thời điểm tại các điểm lấy nước, xe xếp hàng dài và chờ 1-2 giờ mới lấy được xe nước vì nguồn nước bị cạn, không cung ứng kịp khiến cả người mua và bán đều thấp thỏm chờ đợi” - anh Nguyễn Minh Khánh, một người chuyên chở nước, cho biết.

Là một trong những hộ phải mua nước sinh hoạt khi mùa khô mới bắt đầu, ông Bùi Phước (ngụ ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định) cho biết mỗi tháng gia đình ông phải chi gần 500 ngàn đồng để mua nước, tình trạng này kéo dài khoảng 5 tháng. Do phải chạy vạy mua nước, mọi sinh hoạt trong gia đình có liên quan đến nước đều phải hạn chế và tiết kiệm tối đa bởi nước không phải muốn mua là có liền. Ông Phước kể nhiều hôm cả nhà phải nhịn xài do nước hết từ sáng mà đến chiều xe nước mới đem tới do phải chờ nguồn nước và tốn thời gian giao cho nhiều gia đình khác. “Nhiều hộ tốn khá nhiều tiền để khoan giếng tìm nước nhưng không có, có nhà may mắn khoan trúng nguồn nước thì lại bị nhiễm phèn, số nhà có nước phèn để xài cũng không nhiều nên phần lớn người dân ở đây phải mua nước để dùng” - ông Phước cho hay.

* “Dài cổ” chờ nước sạch

Trao đổi về những khó khăn của người dân, ông Huỳnh Nghĩa Linh, cán bộ môi trường xã Phú Ngọc, cho biết thực tế nước mà người dân mua lâu nay cũng là nước giếng được lọc qua bể cát bình thường của những hộ dân có nước giếng dồi dào chứ không có thông số tiêu chuẩn nào về chất lượng. Tuy nhiên, do không có nước nên người dùng vẫn phải mua với giá khá cao. “Theo dự báo, năm nay thiếu nước nhiều hơn năm trước nên điều mong ước lớn nhất của bà con nơi đây là sớm có nhà máy nước để cung cấp nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày” - ông Linh nói.

Làm nghề cung cấp nước từ nhiều năm nay, gia đình ông Đỗ Phùng Hưng, ấp 3, xã Phú Ngọc luôn tất bật vào những tháng mùa khô khi trung bình mỗi ngày ông phải đổ trên 10 bồn nước sinh hoạt cho người dân khu vực xã Ngọc Định, Phú Ngọc. Dự báo mùa khô năm nay cao điểm vào tháng 3-4, nhưng từ đầu mùa người dân đã tiêu thụ nước nhiều hơn năm trước, mùng 1 tết đã có người gọi điện cho ông để mua nước về dùng.

Hiện nay mỗi bồn nước 2m3 được bán với giá 80 ngàn đồng, nếu cự ly xa khoảng từ 3km trở lên thì người bán sẽ cộng thêm tiền dầu. Với mức giá này nếu gia đình đông người có khi phải trả tiền mua nước đến 80 ngàn đồng/ngày. Đây là khoản chi khá cao so với thu nhập của người dân nông thôn. “Người dân ở đây ai cũng mong sớm có nước sạch để dùng, chúng tôi cứ chờ đợi, kiến nghị nhiều lần nhưng không hiểu vì sao nhiều năm rồi vẫn chưa thấy chính quyền thông báo gì về vấn đề này” - một người dân ở xã Ngọc Định bức xúc nói.

Minh Quân

Tin xem nhiều