Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng rong "chiếm lĩnh" thị phần chợ

07:02, 03/02/2018

Thời gian gần đây, các ban quản lý chợ cho phép người bán hàng rong tận dụng không gian phía trước hoặc bên hông chợ để buôn bán khiến tiểu thương kinh doanh bên trong nhà lồng chợ bức xúc...

Thời gian gần đây, các ban quản lý chợ cho phép người bán hàng rong tận dụng không gian phía trước hoặc bên hông chợ để buôn bán khiến tiểu thương kinh doanh bên trong nhà lồng chợ bức xúc vì buôn bán ế ẩm.

Hàng rong được bày bán phía trước và bên hông chợ Hưng Lộc (huyện Thống Nhất).
Hàng rong được bày bán phía trước và bên hông chợ Hưng Lộc (huyện Thống Nhất).

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng tại một số chợ nhìn bên ngoài thì nhộn nhịp nhưng phía trong vắng hoe, nhiều ki-ốt đóng cửa vì không có người mua hàng.

* Hàng rong… lấn lướt

Tình trạng trên đã dẫn đến tình trạng đường chợ nhếch nhác, lộn xộn bởi những người bán hàng rong tiện đâu bày hàng ra đấy. Phổ biến là các quầy bán quần áo, đồ gia dụng… dàn hàng ngay trước cổng chính hoặc trên đường bên hông chợ. Những mặt hàng này thường có giá rẻ, nhiều mẫu mã và được “chặn” bán ngay bên ngoài nên thu hút nhiều người vì khách không cần gửi xe vẫn có thể xem và chọn mua dễ dàng.

Một số chợ truyền thống ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và TP.Biên Hòa… tình trạng người bán hàng rong lập quầy ngay phía ngoài chợ. Trong không khí người mua, kẻ bán tấp nập hơn, đã gây không ít khó khăn cho tiểu thương phía trong chợ.

Tại chợ Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), vào buổi sáng những ngày đầu tháng 2-2018 “khí thế” tết tưng bừng hẳn khi hàng hóa tập trung nhiều bên hông chợ, hoặc bày bán ngay dưới lòng đường, trong khi tiểu thương trong khu nhà lồng chính ngồi buồn rầu vì ế ẩm, thậm chí một số
ki-ốt buộc phải đóng cửa vì vắng khách.

Một tiểu thương bán quần áo tại chợ Hưng Lộc cho biết do buôn bán ế nên nhiều người đóng cửa nghỉ buôn bán tại chợ để làm nghề khác vì không cạnh tranh được với những người bán rong “chặn” ngay phía ngoài chợ.

“Những người bán dạo này thường mỗi ngày đi một chợ khác nhau. Bao nhiêu hàng hóa chất trên một chiếc xe, khi đến chợ chỉ cần trải bạt dưới đất hoặc móc lên sào là tha hồ bán, tiền phí mặt bằng không đáng kể trong khi các tiểu thương phải trả tiền thuê ki-ốt và các khoản phí khác nhưng lại nằm bên trong, không thuận tiện cho người mua nên rất ế. Rất mong ban quản lý cũng như ngành chức năng sớm có điều chỉnh tình trạng này để bảo đảm quyền lợi cho tiểu thương và bảo đảm hoạt động tại chợ” - tiểu thương này cho biết thêm.

* Tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh

Những ngày qua, các tiểu thương trong chợ Trà Cổ, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) khấp khởi vui vì Ban quản lý chợ cũng như chính quyền địa phương đã trả lại quyền lợi kinh doanh cho những người đã gắn bó với chợ lâu nay.

Phía trước chợ Trà Cổ (huyện Trảng Bom).
Phía trước chợ Trà Cổ (huyện Trảng Bom).

Nhiều tiểu thương chợ Trà Cổ cho biết cách đây vài ngày phía trước chợ luôn đông đúc người buôn bán hàng rong, nhất là quần áo may sẵn. Trong khi theo quy hoạch thì đây là khu vực để trông giữ xe 2 bánh. Tình trạng này kéo dài khiến cho số người buôn bán phía trong ế ẩm.

Trước những bức xúc của tiểu thương vì hàng rong “lấn lướt”, chính quyền địa phương đã buộc phải chấm dứt hoạt động của các quầy này, trả lại công bằng cho người buôn bán trong chợ.

Tuy nhiên, không phải chợ truyền thống nào cũng bảo đảm được tình hình kinh doanh nếu như chính quyền địa phương không tạo điều kiện cho người bán hàng trong sạp chợ. Trao đổi về công tác quản lý chợ truyền thống thời gian qua, ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại Sở công thương, cho biết hiện nay vẫn còn một số địa phương chưa quản lý tốt việc kinh doanh tại các chợ nên gây xung đột quyền lợi giữa những người kinh doanh cố định trong nhà lồng chợ với người buôn bán bên ngoài.

Theo ông Thoại,  trong quá trình kiểm tra tại Ban quản lý chợ, lãnh đạo sở đều nhắc đơn vị chủ quản phải thực hiện nghiêm những quy định trong quản lý chợ; chỉ cho phép các mặt hàng nông sản phục vụ dịp lễ, tết được buôn bán xung quanh chợ trong thời gian nhất định. Những mặt hàng như: giày dép, quần áo, đồ gia dụng... hoặc các nhãn hàng không rõ nguồn gốc, xuất sứ thì không được bán trước cổng chợ nhằm bảo đảm quyền lợi, công bằng cho tiểu thương bên trong. Việc này cũng giúp quản lý việc thu nộp ngân sách, bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ tốt hơn.

Minh Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích