Vì điều kiện kinh tế khó khăn, lâu nay nhiều sinh viên cao đẳng, đại học kiếm việc đi làm thêm để trang trải chi phí học hành cũng như chi tiêu trong cuộc sống.
Vì điều kiện kinh tế khó khăn, lâu nay nhiều sinh viên cao đẳng, đại học kiếm việc đi làm thêm để trang trải chi phí học hành cũng như chi tiêu trong cuộc sống.
Sinh viên Trường đại học Đồng Nai làm thêm tại tiệm trà sữa Dio. |
Bên cạnh đó, những trải nghiệm làm thêm của sinh viên còn là cơ hội rèn luyện kỹ năng.
* Cơ hội rèn luyện kỹ năng
Với nhiều sinh viên, hè và dịp cuối năm luôn là thời điểm bận rộn đối với việc làm thêm của mình.
Trao đổi về vấn đề sinh viên đi làm thêm, TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho rằng rất cần thiết. Khi đi làm việc, các em nhận thức được giá trị đồng tiền do chính công sức mình làm ra. Nhằm tránh tình trạng sinh viên mải mê làm thêm, dẫn đến việc học hành sa sút, lãnh đạo nhà trường cùng với Đoàn trường thường xuyên trao đổi với các em, chỉ nên làm những công việc phù hợp, an toàn; làm với thời lượng vừa đủ để giữ sức khỏe. Trong các đợt chuẩn bị thi cần tập trung cho học tập nên tạm dừng công việc để bảo đảm có đủ thời gian, tinh thần ôn bài mới có thể đạt kết quả tốt. |
Tuyết Ngân và Phương Linh, 2 sinh viên Khoa Thiết kế thời trang Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, hiện đang làm “người mẫu” cho một shop thời trang online ở phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Công việc của Ngân và Linh là giới thiệu các mẫu quần áo trước màn hình online. Nhờ có ngoại hình xinh xắn nên việc livestream (quay video trực tiếp) được khá nhiều khách hàng online quan tâm. Không chỉ duyên dáng, 2 nữ sinh viên còn khá nhanh nhạy trong tư vấn, tiếp nhận thông tin, trả lời khách hàng. Ngày làm việc 4 giờ và được trả 2,5 triệu đồng/tháng/người, khoản tiền này giúp Ngân và Linh trang trải mọi chi phí. Phương Linh cho biết: “Tụi em học thiết kế thời trang nên việc làm người mẫu rất có ích sau này, vì giúp nắm bắt được tâm lý, gu thời trang của khách hàng ở những độ tuổi khác nhau. Em thích việc làm này vì không phức tạp như đi phụ quán ăn, quán nước giải khát”.
Với Nguyễn Đình Thắng, sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Lạc Hồng đang phụ việc cho một nhà hàng buffet ở đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), phụ việc ở quán ăn tuy vất vả nhưng cũng kiếm mỗi tháng được 3 triệu đồng, lại được ăn uống thoải mái. “Phụ quán ăn thường về khá muộn, có hôm đông khách phải đến hơn 23 giờ em mới về đến phòng trọ, mệt bã người vì “chạy” bàn liên tục 4-5 tiếng đồng hồ. Em thích kinh doanh, làm ở đây em cũng học được cách thức tẩm ướp thực phẩm, chế biến thức ăn, ít nhiều cũng có ích sau này” - Thắng chia sẻ.
Còn tại quán trà sữa Dio trên đường Võ Thị Sáu một nhóm sinh viên Trường đại học Đồng Nai cũng làm việc bán thời gian ở đây. Chủ quán cho biết rất thích thuê sinh viên vì các em không chỉ trẻ trung, nhanh nhẹn lại có trình độ nên giao tiếp, ứng xử khéo léo.
* Làm thêm cũng cần định hướng
Ở nhà trường chỉ dạy kiến thức, ra môi trường rộng lớn hơn sinh viên có cơ hội rèn kỹ năng cần thiết, như: xử lý, giải quyết các tình huống, kỹ năng giao tiếp, học thêm kinh nghiệm, thủ thuật trong kinh doanh… Những điều này giúp các em có thêm tự tin trong công việc, giúp ích cho cuộc sống sau này. Tuy nhiên, một thực tế phổ biến là hiện nay sinh viên làm thêm mới chỉ tập trung vào mục đích kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Nếu không được định hướng tốt, kết nối tốt giữa mục đích làm việc sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên mải mê kiếm tiền, lơ là việc học, thậm chí bỏ ngang giữa chừng.
Trao đổi về vấn đề này, TS.Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên (Trường đại học Lạc Hồng), cho biết nhà trường rất quan tâm đến vấn đề làm thêm của sinh viên nên thiết lập nhiều kênh thông tin với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho các em có việc làm. Với kết nối này, nhiều cơ hội tìm việc làm cho sinh viên tập làm quen với lao động. Khi đăng ký tìm việc thích nghi với sở trường, ý thích, phù hợp với thời gian và không quá xa nơi ở trọ, chỉ cần các em điền những yêu cầu vào mẫu. Nơi nào cần, trung tâm sẽ báo lại cho các em biết sắp xếp thời gian học tập rồi mới đi làm.
Hiện nay, việc làm chủ yếu đối với sinh viên là phục vụ quán cà phê, quán ăn, sắp xếp dọn kho hàng, làm bánh mứt… “Để việc làm thực sự trở thành “nghề” tay trái giúp các em có thể phát huy những gì học được ở trường, chúng tôi thường bố trí sinh viên khoa ngoại ngữ làm việc ở những cơ sở thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài; sinh viên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh làm việc ở đơn vị kinh doanh, dịch vụ để nắm bắt được công việc điều hành, hiểu hơn về tâm lý khách hàng…” - TS.Trần Dũng nói.
Uyên Uyên