Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu dân cư "nặng mùi"

08:12, 12/12/2017

Ở trong vùng quy hoạch chăn nuôi nên hàng trăm hộ dân thuộc ấp Bàu Mây (xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) thường xuyên bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối từ các trang trại chăn nuôi gia súc phát tán ra bên ngoài...

Ở trong vùng quy hoạch chăn nuôi nên hàng trăm hộ dân thuộc ấp Bàu Mây (xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) thường xuyên bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ các trang trại chăn nuôi gia súc phát tán ra bên ngoài...

Mùi hôi thối từ trang trại nuôi vịt của ông Lê Mạnh Cường phát tán ra khu dân cư.
Mùi hôi thối từ trang trại nuôi vịt của ông Lê Mạnh Cường phát tán ra khu dân cư.

Người dân đã nhiều lần phản ảnh đến chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm, nhưng sự việc chẳng những không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn.

* Ngán ngẩm vì môi trường ô nhiễm

Theo kết quả kiểm tra thực địa của UBND xã Phú Thanh, các trang trại không đảm bảo những điều kiện về môi trường trong chăn nuôi, trong đó phải kể đến trại heo của các ông, bà: Phạm Thanh Hải, Nguyễn Văn Chinh, Phạm Thị Hường; trại nuôi vịt của bà Trần Thúy Liễu, ông Trần Văn Công. Đặc biệt, trang trại nuôi vịt của ông Lê Nguyễn Thanh Sơn xả thải trực tiếp 3 ngàn m3 ra ao làm nước ao có màu nâu đen, hôi thối.

Các trang trại chăn nuôi heo, gà, vịt… đua nhau mọc lên ở ấp Bàu Mây đến nay đã hơn 3 năm. Với tổng diện tích các trang trại lên đến hàng chục hécta, quy mô chăn nuôi hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm đã làm cho môi trường tại ấp Bàu Mây trở nên nặng mùi xú uế, nhất là vào ban đêm hoặc sau những cơn mưa, mùi hôi thối bao trùm khắp nơi.

Bà Phan Thị Mai (ở tổ 7, xã Phú Thanh) cho biết nhà bà làm nghề nông đã mấy chục năm, quen sống trong không khí trong lành của vườn tược. Từ ngày có trang trại của ông Nguyễn Văn Phước chăn nuôi sát nhà thì con cháu, anh em họ hàng chẳng ai muốn ghé chơi. Từ đó, tình cảm gia đình bị cách trở bởi dù có nhớ cũng ngại về thăm vì quanh nhà bà luôn bị mùi phân heo “ám”.

Cùng ngán ngẩm tình trạng môi trường bị “xuống cấp” nặng nề, ông Phan Trường Lâm (cũng ngụ ở tổ 7, xã Phú Thanh) than: “Tội nhất là học sinh Trường tiểu học Bàu Mây. Các cháu ngồi học nhiều khi phải bịt mũi. Còn nhà dân thì dù trời có nóng hầm hập cũng phải đóng cửa kín mít, nhiều hôm phải bỏ dở bữa cơm vì đang ăn mùi xú uế cứ xộc vào mũi nên mọi người nuốt không trôi. Cuộc sống người dân bị đảo lộn bấy lâu, nếu tình trạng này kéo dài mãi chúng tôi chịu hết xiết”.

Trao đổi về vấn đề khu dân cư luôn “nặng mùi”, Trưởng ấp Bàu Mây Huỳnh Văn Quý cho biết toàn ấp có khoảng 600 hộ dân thì có hơn 1/2 số hộ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối. Theo ông Quý, buổi sáng thì mùi hôi chỉ thoang thoảng, nhưng từ 15 giờ đến tối là mùi hôi nồng nặc. Đáng chú ý là nhiều trang trại xả chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước và đất canh tác của các nông dân.

* Sẽ rà soát lại hoạt động chăn nuôi  

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm từ chăn nuôi làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND, cư dân ấp Bàu Mây liên tục kêu ca, kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn tồn tại. 

Dù cấy lúa cùng thời điểm nhưng ruộng bên trái thì xanh tốt còn ruộng bên phải của hộ ông Nguyễn Thành Lợi ngập nước thải từ trang trại nuôi vịt của bà Trần Thúy Liễu khiến lúa chết hết.
Dù cấy lúa cùng thời điểm nhưng ruộng bên trái thì xanh tốt còn ruộng bên phải của hộ ông Nguyễn Thành Lợi ngập nước thải từ trang trại nuôi vịt của bà Trần Thúy Liễu khiến lúa chết hết.

Đề cập về vấn đề người dân ấp Bàu Mây phàn nàn môi trường ô nhiễm, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh Nguyễn Hồng Phúc thừa nhận là đúng. Theo ông Phúc, xã Phú Thanh có 250 hécta đất nằm trong vùng quy hoạch khuyến khích chăn nuôi. Trong khi đó tại ấp Bàu Mây có 4/16 trang trại đang hoạt động không nằm trong vùng quy hoạch. Điều đáng nói là nhiều cơ sở chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; một số cơ sở xả phân và nước thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. “UBND xã đã kiến nghị UBND huyện cho chủ trương về việc tạm ngừng hoạt động các trang trại để đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý phân biogas đối với các trại heo nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi. Riêng những khu vực chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch, địa phương yêu cầu xây dựng kế hoạch sớm di dời vào vùng chăn nuôi tập trung” - ông Phúc nói.

Nhận định về tình trạng ô nhiễm môi trường tại ấp Bàu Mây, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho rằng việc quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung đã không tính tới khoảng cách giữa khu chăn nuôi với nhà dân. Do đó khó tránh khỏi mùi hôi thối ảnh hưởng đến khu dân cư. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - môi trường thành lập đoàn kiểm tra tiến hành khảo sát thực tế, qua đó rà soát tất cả các trang trại chăn nuôi tại xã Phú Thanh. Nếu cơ sở nào đủ các điều kiện về chăn nuôi, bảo vệ môi trường theo quy định mới cho hoạt động, ngược lại sẽ xử lý theo quy định.

Một trong số những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các trang trại chăn nuôi là hộ ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ tổ 8, ấp Bàu Mây, xã Phú Thanh). Theo ông Tiến, hơn 2 năm nay gần 1 ngàn m2 đất của gia đình ông không thể trồng trọt gì được, buộc phải bỏ hoang. Nguyên nhân là do nước thải chăn nuôi từ trang trại nuôi gà của ông Lê Mạnh Cường gần đó chảy tràn sang gây ngập úng cả khu đất.

Kim Liễu

Tin xem nhiều