Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 22/01/2025, 03:39 En

Nguy cơ tai nạn từ công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện

07:11, 04/11/2017

Thi công công trình gần hệ thống lưới điện, hoặc làm việc trong hành lang an toàn lưới điện cao áp nhưng không có thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành điện, dẫn đến những vi phạm về khoảng cách an toàn… là những vi phạm khá phổ biến trong thời gian qua.

Thi công công trình gần hệ thống lưới điện, hoặc làm việc trong hành lang an toàn lưới điện cao áp nhưng không có thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành điện, dẫn đến những vi phạm về khoảng cách an toàn… là những vi phạm khá phổ biến trong thời gian qua.

Công trình xây dựng nhà ở tại KP.2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa vi phạm hành lang an toàn đường dây trung thế 22kV.Ảnh: M.QUÂN
Công trình xây dựng nhà ở tại KP.2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa vi phạm hành lang an toàn đường dây trung thế 22kV.Ảnh: M.QUÂN

Những vi phạm trên có thể gây mất điện trên diện rộng, làm thiệt hại về sản xuất, sinh hoạt của người dân; đe dọa sự an toàn cho người và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Thiếu hiểu biết về an toàn điện

Một hộ dân tại KP.3, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa xây lấn chiếm hành lang an toàn của trạm biến áp.
Một hộ dân tại KP.3, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa xây lấn chiếm hành lang an toàn của trạm biến áp.

Anh Nguyễn Thanh Sơn là công nhân thi công nhà ở tại khu dân cư Đình Tân Lại (KP.2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã nhiều tháng nay. Công trình anh Sơn làm vi phạm hành lang an toàn lưới điện vì không đảm bảo khoảng cách 1m như quy định đối với đường dây trung thế nhánh Đình Tân Lại 22kV. Chỉ cần đứng gần đường dây điện cũng có thể bị nạn bởi luồng phóng của dòng điện, vì đây là hệ thống cao áp. Trong khi đó, không chỉ anh Sơn mà nhiều người làm việc rất thản nhiên, thậm chí rất thờ ơ với hiểm họa ở trước mặt. 

Tương tự, một trường hợp khác ở xa lộ Hà Nội (đoạn thuộc KP.3, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) vi phạm về khoảng cách đối với trạm biến áp. Trạm biến áp này bị nhà cửa của các hộ dân xây dựng trái phép “bao vây”. Theo một nhân viên ngành điện, khoảng cách an toàn đối với trạm biến áp phải là 2m từ các phía. Thế nhưng, tại điểm này tường nhà gần như nằm sát bên. 

Có thể nói, phần lớn người dân chỉ hiểu đơn giản điện chỉ thực sự nguy hiểm khi có va chạm trực tiếp, hoặc đụng trúng phần dây điện hở mới gây ra tai nạn. Thời gian qua, những sự cố về điện đã làm thiệt hại không nhỏ đến đời sống xã hội. Điển hình là sự cố mất điện trên diện rộng tại phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa) do một hộ dân thi công bảng hiệu quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn điện dẫn đến phóng điện vào ngày 7-9-2017 vừa qua. Ngoài ra, còn khá nhiều hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, như: xây dựng công trình, nhà ở; treo, dựng pa-nô, vật trang trí ngay sát trạm biến áp, dưới đường dây điện cao thế diễn ra khá phổ biến.

Nguy hiểm khó lường

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã từng xảy ra những sự cố điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện; hoặc thiếu các biện pháp an toàn khi sử dụng dẫn đến chập điện gây cháy, nổ, làm thiệt hại về người và tài sản. Ở Đồng Nai, một số trường hợp xây dựng công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện buộc ngành điện phải có văn bản nhắc nhở, đồng thời tiến hành xử lý để tránh nguy cơ tai nạn điện. Trong số những công trình này, chủ yếu là xây dựng, sửa chữa các công trình dân dụng.

Trao đổi về sự nguy hiểm do người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai Hồ Minh Quang cho biết ngành điện thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết hơn về an toàn điện; qua đó góp phần bảo vệ công trình lưới điện nhằm phòng tránh tai nạn điện tại nơi ở, khu dân cư. Ngành điện cũng phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vận động người dân tháo gỡ, di dời các công trình nằm trong hành lang an toàn lưới điện, như: bảng quảng cáo, biển hiệu, ăng-ten tivi... Vào mùa mưa bão, các đơn vị chuyên trách đều tiến hành chặt tỉa cây xanh mọc cao để đề phòng cây ngã đổ rơi vào đường dây điện. Ngoài ra, các đơn vị điện lực còn tổ chức kiểm tra hệ thống mạng lưới điện ở các địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các công trình xây dựng, cải tạo, cơi nới nhà ở… trong hoặc gần  hành lang an toàn lưới điện.   

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, từ đầu năm 2017 đến nay phát hiện hơn 20 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trong đó có 11 vụ gây ra sự cố trên lưới điện bị xử lý. Ngoài ra, Thanh tra Sở Công thương đã ra 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực với tổng số tiền phạt là 53 triệu đồng.

Minh Quân

Tin xem nhiều