Báo Đồng Nai điện tử
En

Trẻ em bị nguy hiểm gọi ngay Tổng đài 111

08:10, 14/10/2017

Khi trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, bắt cóc hoặc rơi vào những tình huống nguy hiểm, hãy gọi ngay số điện thoại 111 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em để được tiếp cứu kịp thời...

Khi trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, bắt cóc hoặc rơi vào những tình huống nguy hiểm, hãy gọi ngay Tổng đài 111 để được tiếp cứu kịp thời.

Trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi. Trong ảnh: Trẻ em ở Cô nhi viện Thiên Bình nhận quà trung thu 2017 (ảnh minh họa). Ảnh: P.Liễu
Trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi. Trong ảnh: Trẻ em ở Cô nhi viện Thiên Bình nhận quà trung thu 2017 (ảnh minh họa). Ảnh: P.Liễu

Điện thoại số 111 là của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, sẽ chính thức hoạt động vào tháng 12-2017. Việc nâng mức độ khẩn cấp với 3 chữ số dễ nhớ, dễ gọi sẽ góp phần phát hiện và can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị nguy hại.

* Thêm kênh tố giác, báo tin

Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, cho biết Tổng đài 111 dự kiến đặt tại 3 nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang và sẽ miễn cước phí các cuộc gọi đến. Việc đưa Tổng đài 111 đi vào hoạt động để tiếp nhận thông tin từ người dân đối với việc bảo vệ trẻ em là rất ý nghĩa. Chắc chắn qua đường dây này, những trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại… được phát hiện kịp thời hơn, góp phần giảm thiểu những hệ lụy đáng tiếc cho trẻ em.

Theo thống kê của Cục Trẻ em (cơ quan bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp, thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội), mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị bóc lột sức lao động; thậm chí bị bắt cóc đem bán.

Nhiều vụ việc chưa được ngăn chặn, giải cứu kịp thời, khiến trẻ em là nạn nhân chịu những thiệt thòi, nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tế lâu nay, đường dây nóng 1800.1567 của Cục Trẻ em ngoài việc can thiệp, xử lý khẩn cấp, còn làm nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của người lớn liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, do đầu số dài, khó nhớ, ít phổ biến nên nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại trở nên bế tắc, dẫn đến những hệ lụy buồn.

Trao đổi về tầm quan trọng của Tổng đài 111, nhiều người cho rằng  điều này thực sự cần thiết. Bà Nguyễn Thị Tâm Hòa (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) nhận định khi thấy trẻ em bị bạo hành, không biết phải báo cho ai ngoài công an phường. Nhưng do phải mất thời gian liên hệ nên khi lực lượng này đến nơi thì trẻ đã bị tổn thương. Nay có số khẩn cấp, người dân biết gọi đúng nơi thì các em sẽ được can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

Em V.N.M.Th., học sinh lớp 9 một trường THCS tại Biên Hòa, kể với chúng tôi: “Năm học trước, một người bạn của em bị bạn trai bỏ rơi, bị nói xấu trên facebook. Quá đau khổ, bạn ấy đã vào một nhà nghỉ ở phường Long Bình tính kết liễu cuộc đời. Khi bạn ấy nhắn cho em những lời sau cuối, em rất sợ, không biết phải báo cho ai. Cuối cùng em quyết định báo cho cô giáo chủ nhiệm. Hai cô trò chạy kiếm nhà nghỉ này và đến kịp thời nên đã ngăn được bạn ấy uống thuốc ngủ tự vẫn. Nếu bạn ấy được ai chia sẻ, phân tích, đồng cảm có thể bạn ấy sẽ không có ý định hủy hoại sự sống của mình”.

* Hãy nhớ số 111

Cũng theo Cục Trẻ em, sau 13 năm đi vào hoạt động, đường dây nóng 1800.1567 đã tiếp nhận khoảng 2,5 triệu cuộc gọi trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số các vụ việc xảy ra liên quan đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, dâm ô, xâm hại tình dục; bị bóc lột sức lao động, bị bắt cóc… cho nên việc nâng mức độ khẩn cấp lên 3 con số 111 là hết sức ý nghĩa.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh, Đồng Nai là tỉnh có lượng dân từ nơi khác đến sinh sống rất lớn. Thực tiễn này phát sinh nhiều phức tạp, trong đó có vấn đề về trẻ em. Nghị định 56/2017/NĐ-CP ban hành khi Luật Trẻ em 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017), Chính phủ chỉ đạo phải lập Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nhằm tiếp nhận thông tin khai báo, tố giác các vụ việc liên quan đến trẻ em rơi vào tình huống xấu, qua đó kịp thời hỗ trợ, khẩn cấp cách ly trẻ em ra khỏi môi trường nguy hiểm.

Để chuẩn bị cho Tổng đài 111 thông tuyến, bà Oanh cho biết, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức đội ngũ tư vấn viên là cán bộ, nhân viên của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Lực lượng này sẽ làm nhiệm vụ trực chiến điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin khai báo, tố giác cũng như tư vấn khi có yêu cầu.

Đối với những trường hợp nguy cấp cần xử lý, can thiệp ngay, tư vấn viên sẽ báo với lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội. Bằng con đường ngắn nhất, lãnh đạo sở sẽ gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo Công an tỉnh để phối hợp tác chiến, nhanh chóng cứu trẻ ra khỏi tình huống nguy hiểm.

Để người dân, đặc biệt là trẻ em biết đến Tổng đài 111, sắp tới Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tại những khu vực dân cư.

Cụ thể, sẽ cho treo bảng giới thiệu Tổng đài 111 tại những nơi có đông người qua lại; phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức thông báo cho toàn thể học sinh biết Tổng đài 111. Bất kể mọi trường hợp trẻ em khi bị nguy hiểm, hoặc cần tư vấn những vấn đề của bản thân hãy gọi đến 111.

Phương Liễu

Tin xem nhiều