Thời gian gần đây, tình trạng sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trước dịch bệnh nguy hiểm này, ngành y tế đã lên tiếng cảnh báo, nhưng tại một số địa phương người dân vẫn lơ là, chủ quan…
Thời gian gần đây, tình trạng sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trước dịch bệnh nguy hiểm này, ngành y tế đã lên tiếng cảnh báo, nhưng tại một số địa phương người dân vẫn lơ là, chủ quan…
Cán bộ ngành chức năng đang kiểm tra vệ sinh môi trường trong một khu nhà trọ ở thị trấn Trảng Bom (ảnh lớn). |
Mưa nhiều dẫn đến ẩm thấp là điều kiện để muỗi phát sinh, đồng nghĩa với nguồn bệnh sốt xuất huyết truyền sang người. Trong khi đó, ý thức cộng đồng về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số khu vực dân cư chưa cao.
* Khu nhà trọ… “nuôi muỗi”
Theo ngành y tế, sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Nó lây lan thông qua loại muỗi vằn hút máu từ người bệnh truyền sang người khác. Bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vaccine phòng tránh, vì thế người dân không nên chủ quan mà cần phải theo dõi và chẩn đoán sớm để kịp thời xử lý. Biểu hiện của sốt xuất huyết thường khởi phát rất đột ngột, nhưng tiến triển qua 3 giai đoạn: giai đoạn đầu sốt nóng từ 39-40O, kéo dài 3-4 ngày liền; giai đoạn xuất huyết (chảy máu) trên da khi xuất hiện những vết chấm đỏ hay vết bầm; giai đoạn sốc khi bệnh đã chuyển nặng... |
Trảng Bom là địa phương có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp nên mật độ dân cư tập trung đông đúc. Trong đó một số xã, như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Sông Trầu, Giang Điền và thị trấn Trảng Bom có lượng công nhân ở trọ nhiều.
Thế nhưng, người lao động trong các khu vực này vẫn chủ quan và chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên mức lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết ở đây rất đáng lo ngại.
Khi được hỏi về tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết, hầu như ai cũng biết là do muỗi truyền virus sang người. Do đó, biện pháp phòng chống muỗi sinh sản là phải thường xuyên vệ sinh chỗ ở thoáng mát; không để nước tồn đọng ở các vật dụng trong nhà để làm nơi trú ngụ của muỗi…
Tuy nhiên, dù có kiến thức nhất định về phòng chống sốt xuất huyết, nhưng dường như mọi người lại chủ quan, thậm chí làm ngược lại với những hiểu biết về dịch bệnh này, như: ít quan tâm làm vệ sinh nơi ở; nhiều phòng trọ vứt rác bừa bãi; không ít chai lọ, vật dụng chứa nước quanh nhà không được che đậy… đã tạo môi trường sống cho muỗi, lăng quăng sinh trưởng và phát triển.
Anh Trần Văn Tuấn làm việc tại Khu công nghiệp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), cho biết ở chung trong phòng trọ nên mạnh ai nấy sống. Người kỹ càng thì nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, nhưng không ít người lại không che đậy các vật dụng chứa nước khiến muỗi sinh sản rất nhanh. Người này nhắc người kia chịu khó làm vệ sinh môi trường, hoặc phát quang bụi rậm và vứt bỏ mấy thùng chứa nước không sử dụng, nhưng chỉ được ít ngày đâu lại vào đấy.
Chị Lê Thị Thanh Tuyền làm công nhân ở Công ty ShingMark (Khu công nghiệp Bàu Xéo, thị trấn Trảng Bom) cũng cho rằng vệ sinh môi trường ở khu vực phòng trọ theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Những ai có ý thức thì luôn dọn dẹp nơi ở đàng hoàng, song một vài người lại tiện tay đâu vứt rác đó, dẫn đến dơ bẩn khiến muỗi có nơi trú ngụ.
Đáng kể là nhiều hộ dứt khoát không đồng ý cho nhân viên y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi với lý do gia đình không ai mắc bệnh sốt xuất huyết. Có người còn nói phun hóa chất này rất độc hại, chưa chắc muỗi chết mà có thể sức khỏe những người trong nhà còn bị ảnh hưởng.
Vật dụng đựng nước trong khu nhà trọ khiến muỗi sinh sản vô số lăng quăng |
* Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Trảng Bom hiện chỉ đứng sau huyện Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa về tỷ lệ bị bệnh sốt xuất huyết, cả về số ca bệnh, ổ dịch, mức độ lây lan và bệnh nhân tử vong.
Cho đến nay, tổng số người mắc bệnh sốt xuất huyết ở huyện Trảng Bom là gần 400 trường hợp, tăng 140 ca so với cùng kỳ năm 2016. Trong số bệnh nhân này có 1 ca ngụ ở xã Bắc Sơn đã tử vong. Những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao thuộc các xã: Bắc Sơn, Hố Nai 3, Bình Minh, Quảng Tiến và thị trấn Trảng Bom. Đáng lo ngại là dịch bệnh đang gia tăng ở các khu nhà trọ công nhân.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại những khu vực này gặp nhiều khó khăn vì các nhà trọ thường xuyên đóng cửa nên nhân viên y tế không thể vào từng nhà phun thuốc diệt muỗi cũng như tuyên truyền, nhắc nhở về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, ý thức phòng chống dịch bệnh của phần lớn công nhân sống tại đây còn thấp.
Ông Nguyễn Hồng Tảo, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, cho biết chính quyền địa phương rất quan tâm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thế nhưng hiệu quả đạt chưa cao. Nguyên nhân là một bộ phận người dân vẫn còn lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt là bằng hình thức trực quan, thông tin lưu động đến hộ gia đình, các trường học… nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tại những khu nhà trọ công nhân” - ông Tảo nhấn mạnh.
Hồng Lĩnh