Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân điêu đứng vì ngập lụt

11:09, 11/09/2017

Những ngày qua, người dân ấp Trần Cao Vân (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) như ngồi trên lửa khi nhiều hécta hoa màu, đất canh tác, thậm chí vật dụng trong nhà bị nước cuốn trôi...

Những ngày qua, người dân ấp Trần Cao Vân (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) như ngồi trên lửa khi nhiều hécta hoa màu, đất canh tác, thậm chí vật dụng trong nhà bị nước cuốn trôi...

Nước cuồn cuộn từ Khu công nghiệp Dầu Giây đổ ra đường như thác, cuốn phăng mọi thứ trong dòng chảy xiết.
Nước cuồn cuộn từ Khu công nghiệp Dầu Giây đổ ra đường như thác, cuốn phăng mọi thứ trong dòng chảy xiết.

Nguyên nhân là do khu vực cống xả số 6 thuộc Khu công nghiệp Dầu Giây không có hệ thống mương thoát nước. Vì thế, khi trời mưa lớn lượng nước từ khu công nghiệp đổ tràn lan vào các vườn cây và nhà dân làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất của bà con nơi đây.

* Cuộc sống đảo lộn

Chiều 7-9 vừa qua, Công ty cổ phần khu công nghiệp Dầu Giây đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị giao cho UBND huyện Thống Nhất làm chủ đầu tư dự án xây dựng hệ thống thoát nước trong khu công nghiệp dài khoảng 2,7km. Trước kiến nghị của khu công nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo sẽ giao Sở Tài chính chủ trì cuộc họp bàn vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

Người dân đã nhiều lần phản ảnh tình trạng này đến các cơ quan chức năng, đồng thời kiến nghị có giải pháp khắc phục những tồn tại, song đến nay mọi việc vẫn như cũ. Chính vì thế, những cơn mưa lớn vừa qua đã khiến nhiều gia đình điêu đứng vì nhà cửa ngập úng, cây trồng bị hư hại.

Chúng tôi có mặt tại khu vực cống xả số 6 thuộc Khu công nghiệp Dầu Giây ngay sau cơn mưa lớn mới đây. Tại đây, nước đổ cuồn cuộn như thác từ khu công nghiệp tràn ra đường dân sinh rồi ào ào chảy vào vườn cây của các hộ dân.

Lượng nước khổng lồ đã khiến khu vực này biến thành sông, cuốn đi không ít vật dụng của người dân; nhiều diện tích cây hoa màu bị xói mòn và cả cây lâu năm đến mùa thu hoạch cũng bị bật gốc. Khi mưa tạnh hẳn, một số vườn cây trở nên tan hoang, xơ xác.

Ông Lê Dũng, ngụ ấp Trần Cao Vân, buồn bã nói: “Chúng tôi sống ở đây đã mấy chục năm, làm ăn, sản xuất ổn định. Từ khi hình thành khu công nghiệp mới xảy ra ngập lụt khiến cây trồng tan tác. Nếu kéo dài tình trạng này, chúng tôi không biết làm gì để sống, bởi hoa màu bị nước mưa tàn phá hết".

Ông Dũng cho biết thêm, cách đây ít ngày, trong trận mưa lớn có một người đi xe máy bị lũ cuốn trôi cả người và xe, rất may được ứng cứu kịp thời. Nếu các ngành chức năng không có biện pháp tháo gỡ thì cuộc sống người dân nơi đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cách nhà ông Dũng không xa là rẫy chôm chôm khoảng 1 hécta đang cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Đồng. Theo ông Đồng, những năm trước gia đình ông thu hoạch hàng trăm triệu đồng/vụ, nhưng năm nay năng suất giảm khoảng một nửa vì nước mưa ngập làm đất xói mòn đất, cây bị ngã đổ.

“Cuộc sống của chúng tôi bây giờ rất khó khăn, cả gia đình 7 người trông chờ vào vườn chôm chôm, giờ chỉ biết ngồi ngó hết cây này đến cây nọ lụi tàn mà đau xót” - ông Đồng than.

Cây lâu năm bị nước xói mòn làm bật gốc, tạo thành những hố sâu nguy hiểm.
Cây lâu năm bị nước xói mòn làm bật gốc, tạo thành những hố sâu nguy hiểm.

* Xem xét bồi thường cho người bị thiệt hại

Đầu năm nay, hàng chục hécta cao su thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai tại ấp Trần Cao Vân được chuyển giao cho dự án Khu công nghiệp Dầu Giây. Toàn bộ diện tích này đã hoàn thành việc san ủi mặt bằng, xây tường bao chờ đón các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong khu công nghiệp lại không thi công hệ thống thoát nước nên mỗi khi trời mưa lớn, nước không còn cây cản lại đã tạo nên dòng chảy xiết đổ vào vườn và khu dân cư.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Quế, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thống Nhất, cho biết bức xúc của người dân ấp Trần Cao Vân về việc nước lũ làm ảnh hưởng đến cuộc sống là đúng. Chính quyền địa phương đã làm việc với Ban Quản lý khu công nghiệp Dầu Giây, đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây xựng cống xả số 6 để thoát nước mưa.

Về những thiệt hại của người dân, ông Quế khẳng định sẽ phối hợp với khu công nghiệp để nhanh chóng xem xét mức độ hư hại và trả lời cho người dân sớm nhất.

Trao đổi qua điện thoại thì đại diện Công ty cổ phần khu công nghiệp Dầu Giây cũng thừa nhận do không có hệ thống thoát nước ở khu vực cống xả số 6 nên đã làm ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh mỗi khi trời mưa lớn. Vấn đề này được lãnh đạo khu công nghiệp báo cáo UBND tỉnh cũng như các ngành chức năng của tỉnh, kiến nghị sớm có biện pháp giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng cho việc này khoảng 25 tỷ đồng là ngoài khả năng của khu công nghiêp. Đối với hoa màu, cây trồng của người dân bị hư hại, trước mắt khu công nghiệp sẽ phối hợp với Hội đồng Bồi thường huyện Thống Nhất kiểm tra thực tế nhằm có cơ sở xem xét, hỗ trợ kịp thời cho nông dân.                  

Thảo An

Tin xem nhiều